Nâng mức giảm trừ gia cảnh ít nhất 18 triệu đồng/tháng: mong mỏi của người nộp thuế
Tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc là đòi hỏi tất yếu, nhằm bảo đảm hài hòa, phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây, góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Đây cũng là kiến nghị của hàng loạt bộ, ngành, địa phương và mong mỏi của hàng triệu người nộp thuế.
Đồng loạt kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh
Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân - TNCN (thay thế) sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026. Góp ý cho đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) vừa được Bộ Tài chính gửi Chính phủ, giảm trừ gia cảnh là nội dung được các bộ, ngành, địa phương, người nộp thuế tập trung đề nghị sửa đổi. Hàng loạt bộ ngành, như Quốc phòng, TT&TT, Y tế… và các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Giang, Sơn La, Quảng Bình… cùng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh. Mức cao nhất được kiến nghị là 18 triệu đồng/tháng.
![Người dân làm thủ tục kê khai nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Chiến Công](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_11_51462170/2bdb2462142cfd72a43d.jpg)
Người dân làm thủ tục kê khai nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Chẳng hạn như, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng. Tỉnh này viện dẫn theo Luật Thuế TNCN năm 2012, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, được áp dụng từ tháng 7/2013. Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng. Đến nay, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,03 lần, tương đương 2,34 triệu đồng, nên cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.
Còn UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành theo hướng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền vì lương tối thiểu được chia theo 4 vùng...
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Theo bộ này, mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cuối năm 2019 chỉ 1,49 triệu đồng, đến cuối năm 2024 đã tăng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng tăng 57,05%.
Thực tế, theo Luật thuế TNCN hiện hành quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng và cho người phụ thuộc là 4 triệu đồng/người/tháng. So với tình hình biến động thực tế chi tiêu, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá lạc hậu, cần điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tại Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN mới đây, Bộ Tài chính nhìn nhận mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng, tránh trường hợp mức giảm trừ quá cao sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại chính sách thuế đối với người có thu nhập cao như giai đoạn trước đây...
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là tất yếu, để bảo đảm hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người nộp thuế. “Tăng mức giảm trừ gia cảnh là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt áp lực tài chính. Nhà nước cần xem xét tình hình kinh tế, đời sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý và mang tính công bằng, đồng thời cần được cân nhắc với nguồn thu ngân sách và mục tiêu phát triển kinh tế” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Linh hoạt điều chỉnh 1 - 2 năm/lần
Bên cạnh kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, hầu hết các góp ý của các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đều chỉ ra một trong điểm bất hợp lý khác của Luật Thuế TNCN là khi CPI tăng 20%, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Quy định này không còn phù hợp vì lạm phát của Việt Nam chỉ tăng khoảng 3 - 4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đều có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định như trên là cứng nhắc. Do đó, tại Tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Đồng tình cao với đề xuất nghiên cứu giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, sau khi tính toán đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới phù hợp, có thể quy định khi CPI biến động đủ ngưỡng nhất định nào đó, ví dụ như biến động khoảng 5% thì Chính phủ có quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tương ứng. Tất nhiên, sự điều chỉnh này phải có độ trễ nhưng độ trễ ngắn hơn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cơ chế và các hình thức giảm trừ thuế TNCN hiện hành của Việt Nam chưa đa dạng và chưa mang tính thực tiễn cao. Việc chỉ sử dụng CPI 20% để xem xét điều chỉnh chưa hoàn toàn phản ánh khách quan mức sống của người dân. Do CPI được tính dựa trên các nhóm mặt hàng và dịch vụ cố định (dịch vụ ăn uống, may mặc, y tế...), trong khi đó, luôn xuất hiện các mặt hàng mới, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ mới có lượt mua cao trên thị trường mà CPI chưa kịp cập nhật, dẫn tới chỉ số CPI được tính toán có thể không thể hiện được sức mua thực tế của đồng tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh tại các quốc gia trong khu vực và thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có cách áp dụng giảm trừ gia cảnh khá tương đồng, với cơ chế cho trừ một khoản tuyệt đối khỏi thu nhập chịu thuế áp dụng cho mọi đối tượng, hoặc áp dụng mức giảm trừ khác nhau cho từng đối tượng người phụ thuộc dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, khả năng lao động, tình trạng sinh sống...
Tại Malaysia, Singapore, Thái Lan sẽ cho giảm trừ các khoản chi phí sinh hoạt thực tế của người nộp thuế, như chi phí khám sức khỏe, chi phí tiền học cho con... Còn tại Mỹ, mức giảm trừ gia cảnh thường được xem xét và cân nhắc điều chỉnh hàng năm cùng với luật thuế.
Trên cơ sở đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, Chính phủ nên căn cứ các yếu tố tác động từ thực tế để linh hoạt điều chỉnh hàng năm hoặc chu kỳ 2 năm/lần, để kịp thời phản ánh những biến động về môi trường kinh tế, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế, thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%.
Mặt khác, do việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh có tác động trực tiếp đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh này đến nguồn thu ngân sách. Trường hợp chính sách giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng, quy trình quản lý thuế cũng cần được cập nhật để bảo đảm chặt chẽ trong việc theo dõi, kê khai người phụ thuộc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao.
Trong đó, cần lưu ý việc áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý thuế, đồng thời cải cách, đổi mới nền tảng kê khai thuế điện tử cần được đẩy mạnh hơn nữa để thuận tiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về kê khai cho người lao động trong việc áp dụng cơ chế giảm trừ gia cảnh mới.
Mặc dù, CPI vẫn là tiêu chí quan trọng giúp điều hướng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế, nhưng cũng cần cân nhắc thêm những yếu tố khác để bảo đảm tính toàn diện và khách quan, như các yếu tố về mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân, chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm...
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh