Năng lượng nguyên tử là sự lựa chọn của xu thế thời đại

Chiều 18.4, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng làm việc với Bộ KH-CN về xây dựng Đề án 'Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới'.

Trong đó, đề án nêu rõ việc “đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, hình thành ngành công nghiệp hạt nhân phục vụ phát triển đất nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Điều này rất cần thiết và kịp thời trong bối cảnh chúng ta hướng mục tiêu duy trì kinh tế tăng trưởng cao trong kỷ nguyên mới, đồng thời đáp ứng mục tiêu giảm phát khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mọi nền kinh tế phát triển công nghiệp đều hướng đến điện hạt nhân

Việc vận hành nền công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung đòi hỏi phải có nguồn năng lượng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hướng tới giảm các nguồn điện có hệ số phát thải cao như điện than và hướng tới nguồn năng lượng sạch. Các nguồn năng lượng như thủy điện, điện mặt trời và điện gió là thế mạnh của Việt Nam nhưng chúng phụ thuộc vào biến đổi khí hậu. Do vậy, chúng ta cần một nguồn năng lượng sạch, bền vững và năng lượng nguyên tử là sự lựa chọn sáng suốt. Đây cũng là xu thế mà cả thế giới đang theo đuổi.

Điện hạt nhân (từ nguồn năng lượng nguyên tử) được xem là nguồn năng lượng phát thải carbon thấp, có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện và nhiệt, góp phần giảm lượng khí nhà kính. Theo The Guardian của Anh, điện hạt nhân hiện cung cấp khoảng 10% điện năng toàn cầu, với 413 gigawatt (GW) công suất tại 32 quốc gia, giúp tránh 1,5 tỉ tấn CO₂ mỗi năm. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, công suất điện hạt nhân cần tăng gấp đôi lên 812 GW, với các lò phản ứng mới và công nghệ tiên tiến như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) đóng vai trò quan trọng.

Le Monde của Pháp nhấn mạnh rằng tại Hội nghị COP28 (2023), hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, và các nước Đông Âu, đã cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân toàn cầu vào năm 2050, coi đây là “chìa khóa” để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5°C.

Pháp là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ điện hạt nhân, với khoảng 65–70% điện năng đến từ 56 lò phản ứng, giúp nước này có lưới điện carbon thấp nhất trong số các quốc gia lớn. Le Figaro của Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch xây dựng ít nhất 6 lò phản ứng EPR mới và kéo dài tuổi thọ các lò hiện có, với tổng đầu tư hàng chục tỉ euro. Pháp cũng đang phát triển SMR để tăng tính linh hoạt và giảm chi phí.

The Washington Post của Mỹ nhấn mạnh rằng điện hạt nhân đã giúp Pháp giảm phát thải bình quân đầu người xuống còn 85 gram CO₂/kWh, so với mức trung bình toàn cầu là 438 gram. Pháp còn xuất khẩu điện hạt nhân sang các nước láng giềng, thu về 3 tỉ USD mỗi năm, củng cố an ninh năng lượng và vị thế kinh tế. Tuy nhiên, Le Monde cảnh báo rằng các vấn đề kỹ thuật (như vết nứt ở đường ống lò phản ứng) và chi phí bảo trì cao đang đặt ra thách thức cho tham vọng hạt nhân của Pháp.

Điện hạt nhân chiếm 20% sản lượng tại Mỹ

Điện hạt nhân chiếm 20% sản lượng tại Mỹ

Ở Mỹ, điện hạt nhân chiếm khoảng 20% sản lượng điện, với 92 lò phản ứng hoạt động. The New York Times của Mỹ cho biết chính quyền Joe Biden trước đây đã đầu tư hàng tỉ USD để duy trì các nhà máy hiện có và phát triển công nghệ mới, như SMR, nhằm đáp ứng mục tiêu decarbon hóa lưới điện vào năm 2035. Các dự án như nhà máy Vogtle (Georgia) và chương trình trợ cấp từ Đạo luật Giảm Lạm phát (2022) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với điện hạt nhân.

Ngay tại Nga, nước có nguồn tài nguyên khí đốt lớn nhưng đã ý thức việc dùng điện hạt nhân để đa dạng hóa năng lượng. Nga hiện 38 lò phản ứng với tổng công suất khoăng 30 GW. Năm 2020, các nhà máy điện hạt nhân sản xuất 215,746 TWh, chiếm 20,28% tổng sản lượng điện. Các số liệu gần đây cho thấy sản lượng tăng nhẹ, ước tính khoảng 220-230 TWh vào năm 2023. Le Monde nhận định điện hạt nhân giúp Nga giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải. Đổng thời, Nga sử dụng điện hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các khu vực xa xôi (như Bắc cực) và xuất khẩu điện sạch sang các nước láng giềng.

Còn Trung Quốc là cường quốc về điện mặt trời nhưng cũng phát triển mạnh năng lượng hạt nhân. Nước này có 55 lò phản ứng với tổng công suất 53,2 GW (tính đến tháng 4.2024). Một số nguồn như Nikkei Asia của Nhật và The New York Times ước tính con số đã tăng lên 57-58 lò với công suất khoảng 57 GW vào đầu năm 2025, do các lò mới được kết nối lưới. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất điện hạt nhân 417 TWh, chiếm 5% tổng sản lượng điện. Năm 2023, con số này tăng lên khoảng 430-440 TWh, phản ánh sự mở rộng nhanh chóng.

Sự lựa chọn cần thiết vì tính ưu việt

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới lựa chọn năng lượng nguyên tử vì nhiều lý do. Trước hết, phát thải carbon thấp vì điện hạt nhân gần như không phát thải CO₂ trong quá trình vận hành, với mức phát thải chỉ 10-20 gram CO₂/kWh, thấp hơn nhiều so với than (800–1000 gram) và khí tự nhiên (400-500 gram). Điều này giúp các quốc gia như Pháp duy trì lưới điện sạch trong nhiều thập niên.

Thứ hai, nguồn cung ổn định. Không giống năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, điện hạt nhân cung cấp năng lượng liên tục với tỷ lệ hoạt động trên 90%, cao hơn khí tự nhiên (60%).

Thứ ba, tiết kiệm diện tích đất do điện hạt nhân có mật độ năng lượng cao, yêu cầu diện tích đất nhỏ hơn 36 lần so với năng lượng mặt trời và 130 lần so với gió, giảm xung đột về sử dụng đất.

Thứ tư, ứng dụng đa dạng vì năng lượng nguyên tử không chỉ sản xuất điện mà còn cung cấp nhiệt cho công nghiệp (như sản xuất thép, hydro sạch), hỗ trợ decarbon hóa các ngành khó giảm phát thải.

Đức là trường hợp ngoại lệ, với quyết định loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào năm 2023 sau thảm họa Fukushima ở Nhật năm 2011. Der Spiegel cho biết quyết định này, được thúc đẩy bởi cựu thủ tướng Angela Merkel và phong trào chống hạt nhân mạnh mẽ, đã dẫn đến việc đóng cửa 17 lò phản ứng, từng cung cấp 25% điện năng của Đức. Thay vào đó, Đức tập trung vào năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) thông qua chính sách “Energiewende”.

Tuy nhiên, Frankfurter Allgemeine Zeitung và The New York Times chỉ trích rằng việc loại bỏ hạt nhân đã buộc Đức tăng sử dụng than đá, khiến sản lượng điện từ than chiếm 33% vào năm 2022, tăng 8% so với năm trước. Điều này làm phát thải CO₂ bình quân đầu người của Đức gấp đôi Pháp (khoảng 170 gram CO₂/kWh) và làm chậm tiến độ đạt mục tiêu khí hậu. The Washington Post của Mỹ lưu ý rằng Đức phải nhập khẩu điện hạt nhân từ Pháp để bù đắp thiếu hụt, mâu thuẫn với hình ảnh “lãnh đạo khí hậu” của nước này. Một nghiên cứu trên Taylor & Francis ước tính rằng nếu Đức duy trì và mở rộng điện hạt nhân thay vì Energiewende, nước này đã có thể cắt giảm 73% khí thải từ năm 2002-2022 với chi phí thấp hơn một nửa.

Có thể thấy sự lựa chọn của Đức mang tính chất thời điểm nhất định. Có thể tin sớm muộn nền kinh tế số 1 châu Âu cũng phải quay về với điện hạt nhân để vận hành nền công nghiệp của mình đồng thời tránh tạo ra khí thải nhà kính. Điện hạt nhân là xu thế của thế giới, xu thế của tương lai.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nang-luong-nguyen-tu-la-su-lua-chon-cua-xu-the-thoi-dai-231711.html
Zalo