Năng lượng hạt nhân: Sự trở lại của gã khổng lồ ngủ quên?
Giá khí đốt tăng vọt, thiếu hụt năng lượng trên toàn thế giới, lo ngại về an ninh năng lượng... đã đưa năng lượng hạt nhân trở lại.
Theo Bloomberg, gần đây, các nhà quản lý quỹ đang đặt cược vào năng lượng hạt nhân, một lĩnh vực thường không được các nhà đầu tư quan tâm đến môi trường chú trọng, được cho sẽ quay trở lại.
Ông Chris Berkouwer, Giám đốc chính của quỹ Net Zero 2050 Climate Equities của Robeco cho biết: “Trước đây, chúng tôi khá thận trọng và thiên về cách tiếp cận loại trừ. Nhưng hiện nay rõ ràng hạt nhân là một phần không thể thiếu trong việc loại bỏ khí thải nhà kính”.
Việc bổ sung năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư được quảng bá là thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều tranh cãi. Những người hoài nghi chỉ ra hàng loạt lo ngại, từ vấn đề chất thải hạt nhân đến nguồn cung uranium, cũng như các cú sốc địa chính trị.
Tuy nhiên, những người ủng hộ đánh giá, khi vận hành một lò phản ứng hạt nhân không phát thải khí nhà kính, các nhà máy điện hạt nhân có thể tạo ra lượng điện khổng lồ chỉ với một lượng nhỏ nhiên liệu, khiến chúng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng khác. Đây là một trong những lý do tại sao năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch lớn nhất tại Mỹ, Pháp và Hàn Quốc.
Tại Liên minh châu Âu (EU), chiến dịch vận động mạnh mẽ từ Pháp đã giúp đưa năng lượng hạt nhân vào cái gọi là hệ thống phân loại xanh (green taxonomy) của khối từ năm 2022.
Viện đầu tư BlackRock, một đơn vị của tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock Inc. cho hay, hạt nhân được coi là một phần của tổ hợp năng lượng cần thiết để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu rộng lớn đang được xây dựng.
Ông Alastair Bishop, người đứng đầu toàn cầu về đầu tư cốt lõi bền vững và là người quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock đánh giá: “Năng lượng hạt nhân sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với thị trường điện”.
Trong khi đó, theo ông Robert Lancastle, nhà quản lý danh mục đầu tư tại J O Hambro, nếu không có năng lượng hạt nhân, thế giới khó có đủ năng lượng để hỗ trợ sự phát triển liên tục của trí tuệ nhân tạo.
“Tìm đủ năng lượng để cung cấp cho cuộc cách mạng AI là một trong những câu hỏi lớn chưa có lời giải. Chúng tôi tin rằng năng lượng hạt nhân và có thể là các lò phản ứng mô-đun nhỏ đặt gần các trung tâm dữ liệu lớn - sẽ trở thành một lĩnh vực thú vị nhưng vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức”, ông Lancastle nói.
Trước đó, ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp của năng lượng hạt nhân. Rõ ràng hạt nhân tồn tại và đóng vai trò quan trọng”.
Cụ thể, 34 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Saudi Arabia, cam kết “làm việc để khai thác toàn bộ tiềm năng của năng lượng hạt nhân thông qua thực hiện các biện pháp như tạo điều kiện để hỗ trợ và tài trợ cho việc kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hiện có, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và sớm triển khai các lò phản ứng tiên tiến”.
Thông cáo tại Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân đầu tiên tổ chức vào tháng 3 tại Brussels, Bỉ nêu rõ: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia hạt nhân mới nổi, về năng lực và nỗ lực bổ sung năng lượng hạt nhân vào tổ hợp năng lượng của các quốc gia đó”.
Sau sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, năng lượng hạt nhân không còn được ưa chuộng ở châu Âu vì những lo ngại về an toàn. Đức đóng cửa ngay lập tức 6 nhà máy hạt nhân và loại bỏ dần các lò phản ứng còn lại. Ba cơ sở hạt nhân cuối cùng của Đức đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2023.
Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine năm 2022 và EU cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đã khơi lại mối quan tâm đến năng lượng hạt nhân.
Dù vậy, các nước EU vẫn chia rẽ về việc có nên thúc đẩy năng lượng hạt nhân hay không, trong đó một phe do Pháp dẫn đầu tin rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân là rất quan trọng và phe còn lại gồm các nước chống hạt nhân, muốn tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, dẫn đầu là Áo và Đức.