Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính
'Năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính, được coi như một giải pháp phát triển bền vững và ổn định'.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vừa qua.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh mới, phải là nơi hội tụ tri thức khoa học hạt nhân với sự tập trung của đông đảo đội ngũ chuyên gia và các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Việc này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trước mắt cũng như trong kế hoạch điện hạt nhân dài hạn của Việt Nam.
Đồng thời, phải thể hiện được vai trò tham mưu tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ về lộ trình và các vấn đề mang tính then chốt; phải là nơi có những nghiên cứu sâu cả về công nghệ và an toàn để dẫn dắt trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và hướng tới dần làm chủ công nghệ, tự chủ trong quá trình bảo trì bảo dưỡng và giải quyết các vấn đề phát sinh; phải là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và khoa học cho cả cơ quan quản lý an toàn hạt nhân cũng như chủ đầu tư, tổ chức vận hành trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua các thách thức trong thời gian tới, Viện cần tập trung trọng tâm:
Thứ nhất, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Từng bước nâng cao năng lực trong nước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân; hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lượng hạt nhân.
Thứ hai, Viện cần đề xuất Chương trình nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia tập trung vào công nghệ, an toàn điện hạt nhân (bao gồm việc đầu tư xây dựng 1-2 phòng lab quy mô quốc gia) nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; chuẩn bị năng lực để tham gia quá trình cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân; xây dựng năng lực về xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Thứ ba, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân trong nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng một số thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết; hỗ trợ thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân trong các giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Thứ tư, tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Dự án Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân giúp tích lũy kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực, làm tiền đề cũng như tạo niềm tin trong nước và cộng đồng hạt nhân quốc tế trong việc triển khai các dự án hạt nhân lớn tại Việt Nam trong thời gian tới. Phối hợp với các vụ chức năng của Bộ nhanh chóng triển khai thực hiện đề án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước đưa mạng lưới vào hoạt động. Phối hợp chặt chẽ với Vụ Năng lượng nguyên tử xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ năm, tập trung ưu tiên nguồn lực phối hợp cùng với các đơn vị tham mưu Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
“Đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành, là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng đối với lĩnh vực, là kim chỉ nam dẫn đường cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, được kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm của ngành tương xứng với vị thế và tiềm năng của năng lương nguyên tử đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, đã nêu nhiều kết quả ứng dụng công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Theo đó năm 2024, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng trong điều trị ung thư. Trong công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tập trung phát triển kỹ thuật đánh dấu đơn giếng và thiết bị đo lường cho đường ống thép.
Trong lĩnh vực nông nghiệp Viện Nghiên cứu hạt nhân chế tạo sản phẩm nano phòng bệnh nấm, nghiên cứu tăng sinh khối rễ sâm Ngọc Linh. Trung tâm Vinagamma phát triển nano bạc - đồng bảo quản thực phẩm.
Theo TS Trần Chí Thành nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy các chương trình như Netzero bằng năng lượng hạt nhân, biến đây thành giải pháp cốt lõi trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Trong thời gian tới, ngành năng lượng nguyên tử sẽ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, cùng với xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Ông Thành cho biết, đây là những bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.