Năng lực drone của Israel ở Gaza
Năm 2023, Banksy (nghệ sĩ nổi tiếng thế giới) đã dựng một bức tranh tường mới ở Nam London. Được vẽ đè lên biển báo giao thông, bức tranh tường đặc tả 3 máy bay không người lái của quân đội. Như trong phần lớn các tác phẩm nghệ thuật của Banksy, luôn chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng: Chấm dứt chiến tranh.
Bức tranh thu hút sự chú ý của chúng ta về một chủ đề bất thường đã trở nên bình thường song không được thảo luận công khai: các drone quân sự và trinh sát.
Trong hơn 2 thập kỷ nay, vấn đề chiến tranh drone đã khiến các học giả và nhà hoạch định chính sách từ nhiều nhóm khác nhau trở nên hết sức bận tâm. Drone được ngợi ca vì khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác hoặc phẫu thuật nhắm mục tiêu, do vậy về mặt lý thuyết là giảm thiểu tử vong không cần thiết trong xung đột. Số khác cho rằng việc dùng drone đặt ra vấn đề về đạo đức. Cụ thể thì những cuộc tấn công chính xác hiếm khi là chính xác.
Thêm nữa, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu có hợp pháp hay có đạo đức hay không đối với việc giết người bằng cách dùng drone, phần lớn là chúng được dùng bên ngoài các lãnh thổ có chủ quyền nhằm thực hiện các vụ giết người ngoài vòng pháp luật. Nói cho dễ hiểu thì giết người ngoài vòng pháp luật là giết người không thông qua quá trình xét xử hợp pháp khi tuyên án mục tiêu. Vậy nhưng chúng ta đang thấy ngày càng nhiều drone trên đường phố, trên không trung cũng như các hoạt động triển khai quân sự. Tất cả những thứ này có nghĩa lý gì với dân thường?
Drone khá thú vị vì chúng cho phép các quốc gia và những chủ thể khác được thị uy sức mạnh của mình theo những điều khoản linh hoạt hơn. Điều này cho thấy drone đóng vai trò bộ phận giả cho nhiều chế độ khác nhau và tác động đến những tác nhân nhà nước và phi nhà nước bên trong và bên ngoài lãnh thổ của họ. Trong các xã hội dân chủ, ngày càng có nhiều lời kêu gọi sử dụng drone nhằm hỗ trợ cho việc thiếu nhân lực trong các sở cảnh sát.
Và giống như nhiều nước gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Mỹ, Israel đã nhận ra khả năng đáng kinh ngạc của drone nhằm giúp cải thiện lợi thế chiến thuật và cả chiến lược. Israel đã dùng drone ở Gaza suốt hơn một thập kỷ vì chúng khá lý tưởng khi hoạt động trong những không gian đô thị chật hẹp, và bởi vì chúng có thể bay lượn trên không trung suốt nhiều giờ nên có thể thu thập tình báo có giá trị.
Cuộc chiến hiện tại ở Gaza là chủ đề cho một vụ kiện lên Tòa công lý quốc tế (ICJ) trong đó tòa phát hiện rằng hành động của Israel “có thể leo thang thành diệt chủng”. Trong khi quyết định về tội diệt chủng vẫn đang chờ xử lý thì những tội ác khủng khiếp bởi Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thường được gây ra bởi drone.
Drone ở Gaza
Học giả người Israel, Yuval Noah Harari, gọi việc tiếp xúc giữa con người và drone bằng thuật ngữ “chứng kiến tận mắt” hoặc trải nghiệm vật lý trực tiếp về chấn thương. “Chứng kiến tận mắt” trong thời đại drone không phải là việc chứng kiến trận đấu giữa 2 hoặc nhiều người hơn mà là chứng kiến việc con người bị nhắm mục tiêu, bị thương hoặc bị hạ sát bởi phương tiện bay không người lái. Drone làm việc đó ra sao? Quân đội sử dụng các công nghệ thuật toán dự đoán chẳng hạn như các chương trình Lavender và Gospel ở Israel, giúp nó xác định mục tiêu có thể tiêu diệt.
Theo nghĩa này, drone có thể giám sát một số khu vực, giúp đánh chặn tín hiệu từ những mạng viễn thông địa phương, quan sát những dấu hiệu nhiệt, và dữ liệu do chúng thu thập cũng như các cơ quan tình báo của Israel được đưa vào những hệ thống thuật toán phát triển các dự đoán có thể thực hiện về những mục tiêu. Thông tin thu thập được đo bằng petabytes dữ liệu: video, hình ảnh, thông tin liên lạc, các tín hiệu nhiệt và âm thanh, tọa độ. Những chương trình này sẽ xác định ai sẽ bị giết?
Cường độ giám sát bằng drone gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở những khu vực bị nhắm mục tiêu. Nhiều người ở Afghanistan phàn nàn rằng họ bị trầm cảm do các hoạt động quần thảo thường nhật của drone trong suốt cuộc chiến Mỹ ở Afghanistan. Cũng như ở Gaza, Pakistan và Yemen, người dân báo cáo rằng họ quá quen với tiếng vo ve của drone đến mức họ rơi vào tình trạng “lo lắng trước” cho thấy tình trạng thiếu kiểm soát an toàn của bản thân họ. Drone có thể bay trên không suốt 24 tiếng, lượn lờ trên các khu vực mục tiêu. Những loại drone cỡ lớn (như lớp Reaper) đôi khi có thể phát ra âm thanh như muỗi bay hoặc máy cắt cỏ. Những loại drone nhỏ hơn thường bay sát đất (như Skylark) có âm thanh rõ ràng hơn. Sự hiện diện của drone trong đời sống dân sự ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ em.
Các học giả Emery và Brunstetter (năm 2015) đã gọi hiện tượng này là “ngụ cư trên không”, trong khi số khác gọi đó là “chiến tranh âm thanh”. Tại Gaza, học giả Shahd Safi viết rằng kể từ ngày 7/10/2023, âm thanh drone đã trở nên dữ dội tới mức gây đau đầu, hoa mắt, mất ngủ, hoặc có thể khiến ai đó phát điên.
Những thuật toán “tử thần”
Drone có vai trò kép ở Gaza. Trước tiên, việc lập bản đồ dữ liệu đã được xử lý bởi những thuật toán như Gospel nhằm xác định mục tiêu. Thứ nữa, chúng thay thế cho binh sĩ trên mặt đất. Tổ chức giám sát nhân quyền Châu Âu - Trung Đông báo cáo gần đây rằng các drone 4 cánh quạt gắn súng trường (loại trực thăng không người lái rất nhẹ, nhanh, và linh hoạt) đã sát hại dân thường trên đường phố Gaza. Trong cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, Israel đã tích cực dùng các hệ thống thuật toán Gospel và Lavender để xếp hạng các mục tiêu dựa trên số thường dân tử vong tiềm tàng mà chúng có thể gây ra.
Gospel hiệu quả đến mức có thể tạo ra 100 mục tiêu mỗi ngày. Tốc độ này thường là lý do biện minh cho việc sử dụng những công nghệ như vậy. Vào tháng 10/2023, IDF đã tuyên bố rằng họ đã xác định 12.000 người là mục tiêu tiềm năng. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra một điều quan trọng: hoàn toàn không có cách nào để xác thực rằng việc xử lý và phân loại dữ liệu do các hệ thống tự động này là chính xác.
Để có thể phân loại ai đó có thể là mối đe dọa chỉ dựa trên dữ liệu có nghĩa là tin tưởng vào một hệ thống không được giám sát nhằm xác định khả năng giết người của ai đó. Nhằm đẩy nhanh quá trình này, có vẻ như Israel đã giảm “quy trình chuỗi giết người” (một quá trình nằm giữa việc xác định mục tiêu và cho phép tấn công) chỉ mất khoảng 10 phút. Làm sao có thể xác định được dữ liệu tình báo như vậy chỉ trong vòng 10 phút?
Các chương trình Gospel và Lavander của Israel không phải là ngoại lệ. Nên nhớ rằng quân đội Mỹ đã làm điều tương tự với các chương trình Gilgamesh và Skynet ở Pakistan và Afghanistan trong thời cầm quyền của Tổng thống Barack Obama (2009-2017). Các hệ thống ra quyết định Gospel và Lavender được IDF mô tả là “đáng tin cậy như con người”. Không có cách nào được biết đến để quả quyết xem liệu các mục tiêu được tạo ra có gây ra mối họa thực sự hay không, hoặc liệu những hệ thống tự động có gây ra sai lầm hay không?
Cách phân loại một người là mối đe dọa cao hay thấp cũng không rõ ràng. Chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh Mỹ ở Pakistan đã cho thấy cách chính phủ Mỹ đánh dấu một nhà báo nổi tiếng của hãng tin AlJazeera, Ahmad Zaidan, là một phần tử khủng bố vì ông này đã trao đổi tin tức với các thành viên của Al-Qaeda vốn là một phần công việc tác nghiệp của ông. Israel đã sát hại bừa bãi nhiều nhà báo bằng drone, chẳng hạn như ở Khan Younis (Gaza) vào ngày 7/1/2024, khi họ sát hại 2 nhà báo cùng người tài xế của họ sau khi coi họ là mối đe dọa vì đã vận hành một loại drone để ghi lại hình ảnh tàn phá trong khu vực này.
Như đã nói ở trên, drone không chỉ dùng để đẩy nhanh các nhiệm vụ mà còn bảo vệ sinh mạng binh sĩ bằng cách dự đoán và loại bỏ các mối đe dọa. Tổ chức giám sát nhân quyền châu Âu - Trung Đông (EUMM) kể lại câu chuyện của Silah - người phụ nữ muốn thoát khỏi trại tị nạn Jabalia (trại tị nạn lớn nhất ở Gaza, giờ đây đã bị phá hủy). Lúc Silah đang cầm lá cờ trắng dẫn đầu một nhóm dân ra khỏi trại tị nạn thì bà bị bắn thẳng vào đầu và chết tại chỗ bởi một drone 4 cánh quạt do IDF vận hành.
Gia đình bà Silah không thể chôn xác bà khi cái xác bị bỏ lại trên đường phố suốt 10 ngày trong bối cảnh IDF đang càn quét Gaza. Làm sao IDF có thể biết Silah là thành viên của Hamas? Họ không thể biết, song chắc chắn chiếc drone 4 cánh quạt đã ở đó nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hại cho binh sĩ IDF. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) chỉ ra rằng những vụ giết người bằng drone thường sai lầm. Việc dùng drone trong chiến tranh thường là trường hợp cực đoan bởi vì chúng thường được sử dụng cách xa châu Âu. Những công nghệ này đã hoạt động cách xa nơi chúng được tạo ra (châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc). Và có một thực tế là drone ngày càng được dùng trong những xã hội dân sự. Làm thế nào sự việc đang diễn ra ở Gaza lại có thể liên quan đến chúng ta?
Quân sự hóa cảnh sát
Như nhiều chiến trường khác, Gaza cũng được dùng như một hình thức thử nghiệm. Không may là Gaza cũng như những môi trường do drone giám sát, tính độc đáo của thử nghiệm này là nó cũng được thực nghiệm trên các cơ quan dân sự. Không phải hết thảy drone dều dùng để giết người, nhưng mỗi lần các chính quyền dùng nó, họ cũng được huấn luyện hiệu quả hơn cách dùng drone để nhắm mục tiêu tốt hơn. Những công nghệ dạng này là một phần không thể thiếu của “Hình học quyền lực toàn cầu hóa”, nghĩa là chúng không bị giới hạn ở một số khu vực địa lý cụ thể. Chúng được triển lãm tại những hội chợ quốc phòng và được bán ra quốc tế.
Đơn cử như phần mềm gián điệp Pegasus của Israel, drone và các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) quân sự đã tìm đường đi trên khắp thế giới. Ví dụ Xtend (một công ty drone của Israel có các dịch vụ được IDF sử dụng trong cuộc chiến hiện tại ở Gaza) gần đây đã huy động được 40 triệu USD để phát triển ra một hệ thống điều hành AI nhằm cho phép con người có thể quản lý một nhóm drone và robot cho những mục đích dân sự và quốc phòng.
Thêm nữa, có các tổ chức phi chính phủ cho rằng chương trình Horizon của EU đã tài trợ cho Xtend với số tiền 50.000 euro cho một nghiên cứu tối ưu hóa các hệ thống drone và thương mại hóa những hoạt động của chúng. Cuộc chiến ở Gaza đã nổi lên như một vấn đề cấp bách về an ninh con người trong thời đại các công nghệ chiến tranh chiến tranh và cảnh sát hóa ở châu Âu, phương Tây và xa hơn nữa. Việc quá phụ thuộc vào các hệ thống không người lái có thể gây ra trục trặc cho hoạt động cảnh sát bởi vì thay vì xây dựng lòng tin, chăm sóc cộng đồng và xã hội, thì chúng lại cho phép nhà nước thị uy quyền lực theo cách khó kiểm soát (bằng cách quân sự hóa cảnh sát), ngay cả khi có những tuyên bố lợi ích vì an toàn công cộng. Việc dùng drone có thể biện minh rằng chúng giúp dự đoán bạo lực có thể xảy ra, tuy vậy độ chính xác lại rất khó kiểm chứng. Dù vậy, cũng như trong quân sự, việc dùng drone trong hoạt động cảnh sát ngày càng tăng.
Hãng luật tố tụng thương mại Fish and Richardson đã hé lộ rằng hơn 1.100 cơ quan thi hành luật pháp ở Mỹ có dùng drone trong năm 2021, và loại drone Predator (dùng cho các mục đích quân sự ở Afghanistan và Pakistan) đã được dùng để theo dõi các hoạt động biểu tình Black Lives Matter (BLM) trong năm 2020. Cảnh sát ở London đã dùng drone để giám sát những cuộc biểu tình quy mô lớn như BLM, Extinction Rebellion, HS2 (một tuyến đường sắt được đề xuất đã gây tranh cãi về mặt môi trường và kinh tế), cùng những cuộc biểu tình cánh hữu. Thậm chí drone còn được dùng để theo dõi người dân đi bộ ở các vườn quốc gia tại Anh trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Năm 2023, tại Pháp, cảnh sát đã dùng drone để giám sát biểu tình trong sự kiện May Day. Chúng theo dõi chuyển động của đám đông để từ đó cảnh sát có thể dự đoán liệu có xảy ra phá hoại hay không, và ngăn chặn ngay tại chỗ. Hoạt động tuần tra cảnh sát này tương tự vai trò của các hệ thống Gospel và Lavender bởi vì mục đích của chúng là chặn đứng những cuộc tấn công khủng bố trước khi chúng xảy ra.