Nâng chuỗi giá trị đất đai

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới theo hướng tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng đất. Trong số rất nhiều điểm mới, người dân, DN đang sử dụng đất nông nghiệp phấn khởi vì đã được 'cởi trói', khơi thông ý tưởng. Đó là từ việc chỉ được trồng cây lâu năm, nay họ được sử dụng đa mục đích để nâng chuỗi giá trị kinh tế trong điều kiện tự nhiên hiện có.

ĐIỂM NGHẼN

Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc (Công ty Vĩnh Phúc) có nông trại hơn 300 ha tại ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Do là đất trồng cây lâu năm thuê lại theo chủ trương của Nhà nước nên DN không thể mở thêm các loại hình dịch vụ, trải nghiệm dù có nhiều lợi thế về mặt tự nhiên.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Phúc Trần Văn Tấn chia sẻ: Lâu nay, DN làm nông nghiệp theo hướng sinh thái xanh, sạch, hữu cơ. Bên cạnh những sản phẩm thu hái từ nông nghiệp như hạt điều, mủ cao su và các loại cây ăn trái, chúng tôi còn đầu tư làm cho nông trại thêm xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Ngoài ra, chúng tôi có không gian mặt nước trong xanh, thơ mộng, hữu tình. Thế nhưng xanh, sạch, đẹp mà để đấy thì lãng phí vô cùng, vì vậy chúng tôi mong phát triển thành chuỗi giá trị nông nghiệp để không chỉ thu hái hạt điều, quả bưởi, quả cam… mà còn “thu hái” cái đẹp do chúng tôi làm nên. Để làm được điều đó, DN từng có lần xin chuyển mục đích sử dụng đất để làm du lịch nông nghiệp và được Nhà nước đồng ý. Tuy nhiên, đây là đất thuê của Nhà nước nên phải thực hiện thủ tục đấu giá. Nếu đấu giá mà người khác vào đây, họ không trúng đấu giá tất cả mà chỉ trúng một góc thôi, thì cái chúng tôi làm bao nhiêu năm nay để người khác thụ hưởng, nên không dám làm.

Một góc khuôn viên nông trại của Công ty Vĩnh Phúc, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú

Một góc khuôn viên nông trại của Công ty Vĩnh Phúc, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú

Nông trại của Công ty Vĩnh Phúc cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 9km, được phủ xanh bạt ngàn bởi nhiều cây gỗ quý. Nhìn khu rừng ngút tầm mắt xanh tốt, tràn đầy sức sống, ít ai biết trước đây nơi này là khu vực đất cằn, hoang, khó phát triển, được ông Trần Văn Tấn thuê lại theo chủ trương của Nhà nước để cải tạo, trồng cây gây rừng. Trong tổng hơn 300 ha, ngoài khu tăng gia sản xuất, cây ăn trái, cao su, điều, ao, hồ, suối, nhà ở thì phần lớn là rừng trồng, rừng tái sinh với 176 ha. Đặc biệt, khu rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ suốt 30 năm qua với nhiều cây gỗ quý, hiếm như lim xanh, lim đỏ, sao, dầu. Hiện đường kính bình quân các loại cây gỗ quý từ 35-40cm, trong đó có nhiều cây gỗ phải đến 4 người ôm. Bên cạnh khu rừng già, rừng tái sinh được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt bằng 17km thép gai, việc trồng mới vẫn tiếp tục hằng năm với nhiều loại cây gỗ quý như sưa, gõ đỏ, cẩm lai, lim xanh, lát hoa...

Cùng với quá trình trồng và tái sinh rừng, việc phát triển sản xuất đã xây dựng, hình thành 6 hồ lớn với diện tích 8 ha mặt nước. Đây không chỉ là nơi lưu trữ nguồn nước tưới mà còn tạo không gian sơn thủy hữu tình, thoáng đãng, khu vực sinh thái trong lành, dịu mát, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của các loại tôm, cá, nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.

Với lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, vẻ đẹp tự nhiên “vùng xanh huyền bí” nên việc phát triển thêm các loại hình thương mại, dịch vụ làm tăng chuỗi giá trị kinh tế, làm giàu cho DN, cho đất nước là hoàn toàn chính đáng và đây cũng là niềm khao khát bấy lâu của người dân.

KHƠI THÔNG Ý TƯỞNG

Những băn khoăn, trăn trở của ông Tấn cũng như nhiều người dân, DN là hạn chế, bất cập của Luật Đất đai 2013, thế nhưng khi Luật Đất đai 2024 ra đời thì đất nông nghiệp - đất trồng cây lâu năm được sử dụng đa mục đích. Theo điểm a khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024: Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Theo quy định này, DN không chỉ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra mà còn thu chuỗi giá trị từ phát triển thương mại, dịch vụ trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Trần Văn Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc xúc động và phấn khởi vì Luật Đất đai năm 2024 ra đời đã khơi thông được ý tưởng làm giàu trên mảnh đất nông nghiệp

Ông Trần Văn Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc xúc động và phấn khởi vì Luật Đất đai năm 2024 ra đời đã khơi thông được ý tưởng làm giàu trên mảnh đất nông nghiệp

Ông Tấn bày tỏ: “Giờ đây chúng tôi không chỉ chờ đến mùa điều chín lấy hạt đưa vào sản xuất để thu 20-30 triệu đồng/ha/năm, mà dưới tán điều chúng tôi đầu tư, khai thác cho trẻ vào chơi; tại vườn cam, quýt, chôm chôm… chúng tôi thiết kế thật đẹp thu hút người dân vào cắm trại, trải nghiệm, thu hái. Các bạn tưởng tượng sẽ có rất nhiều người vào tham quan, du lịch, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Từ đó, chúng tôi không chỉ thu sản phẩm từ nông nghiệp vài chục triệu đồng/ha/năm mà có thể thu được hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/ha/năm từ giá trị của đất nông nghiệp. Luật Đất đai 2024 không chỉ cho tôi không gian mới, chân trời mới mà còn cho tôi ngành nghề mới, đó là được làm du lịch trên đất nông nghiệp”.

Ông Tấn cho biết thêm: Suốt 30 năm làm nông trại, vừa sản xuất nông nghiệp vừa quy hoạch lại theo hướng nông nghiệp xanh, sạch. Những khu vực triền dốc, chúng tôi trồng cây lâu năm, trồng rừng để giữ màu xanh; khu trũng, đọng nước ngăn lại tạo thành hồ nước; khu vực ven hồ, suối trồng hoa màu, lúa nước, cây ăn trái. Và khi Luật Đất đai 2024 được ban hành, chúng tôi tiếp tục quy hoạch lại bài bản, trình tự hơn theo đúng quy hoạch của Nhà nước; đồng thời tạo cho nông trại có sức sống lâu dài, áp dụng công nghệ cao, khoa học - kỹ thuật và đưa luật mới vào để khai thác hiệu quả hơn mảnh đất mà Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng.

Tìm hiểu về Luật Đất đai 2024, khi đọc đến Điều 218, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ, tôi muốn khóc. Thực sự quá hạnh phúc! Chúng tôi sẽ được làm du lịch trên đất nông nghiệp. Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã trao cơ hội cho chúng tôi được làm những điều trăn trở, khao khát bấy lâu nay. Đó là không làm mất đi giá trị của đất nông nghiệp mà còn tăng lên rất nhiều lần từ mảnh đất chúng tôi đang sở hữu, quản lý, sử dụng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc TRẦN VĂN TẤN

Để Luật Đất đai 2024 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, ông Tấn mong các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và các sở, ngành, UBND tỉnh có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể để mở ra các quy chế mới cho DN được làm, khai thác du lịch. Ông Tấn khẳng định: Chúng tôi sẽ tuân thủ đúng quy định pháp luật, đảm bảo không làm mất đi mục đích cuối cùng là làm nông nghiệp như luật đã hướng dẫn. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị đất đai mà chúng tôi đang sở hữu, quản lý để làm giàu cho tỉnh, đất nước. Đó là khao khát của chúng tôi cũng như nhiều người dân, DN.

Theo quy định Luật Đất đai năm 2024, không chỉ đất nông nghiệp mà đất công cộng, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất ở, đất tôn giáo, đất tín ngưỡng đều có thể được sử dụng đa mục đích kết hợp với thương mại, dịch vụ. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, nâng chuỗi giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/163192/nang-chuoi-gia-tri-dat-dai
Zalo