Nâng chất và khả năng cạnh tranh cho hợp tác xã từ ứng dụng công nghệ
Việc hợp tác xã nâng cao nội lực, ứng dụng công nghệ và cải tổ chất lượng nguồn nhân lực sẽ thu hút người dân tham gia hợp tác xã cũng như sự đầu tư, hỗ trợ của cơ quan quản lý.
Ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp các hợp tác xã tăng hiệu quả sản xuất mà qua đó còn tiết kiệm sức lao động của các xã viên. Tuy nhiên, đến nay số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn 2.500 hợp tác xã so với tổng số hợp tác xã hiện nay. Trong khi mục tiêu mà Nhà nước đặt ra là đến hết 2025, cả nước có khoảng 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc hợp tác xã nâng cao nội lực, chủ động nghiên cứu và có giải pháp phù hợp trong sản xuất, cải tổ chất lượng nguồn nhân lực sẽ là điều kiện quan trong thu hút người dân tham gia hợp tác xã và thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Thu hoạch rau ăn lá tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha, thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Thiếu vốn, thiếu hạ tầng đặt trụ sở làm việc, thậm chí là nguồn nhân lực trẻ là nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã rơi vào tình trạng tụt hậu, cơ sở vật chất tạm bợ và chưa đủ khả năng đầu tư cũng như ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất. Đơn cử như Hợp tác xã Nồng Hoàn (Bắc Kạn) đang gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhà kho để bảo quản chế biến nông sản vì thiếu vốn. Do đó, nhà xưởng và khu vực bảo quản nông sản của hợp tác xã vẫn còn tạm bợ, hệ thống phun sương, tưới nước cho nấm chưa được đầu tư khoa học, đồng bộ.
Tương tự, Hợp tác xã Tả Phìn Xanh (Lào Cai) tuy có nhiều lợi thế trong kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng và sản xuất rau, hoa chuyên canh tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa nhưng vốn góp của hợp tác xã lại rất ít nên rất khó để đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ngoài ra, một số hợp tác xã khác lại rơi vào cảnh dù được hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nhưng phải gửi máy móc như tủ sấy ở nhà thành viên vì chưa có trụ sở làm việc. Đây cũng là khó khăn khiến việc ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất của hợp tác xã chưa thực sự hiệu quả và tận dụng hết tiềm năng của địa phương.
Ông Tăng Tiến Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất mây tre đan Thắng Lợi (Nghệ An) cho biết, khó khăn hiện nay của nhiều hợp tác xã là khoảng 80% lao động hiện là người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân khiến việc ứng dụng công nghệ của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Nhận định về vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng nguồn vốn là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với các hợp tác xã. Bởi lẽ để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã phải đầu tư cho ứng dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư cho cơ giới hóa, nâng cao được hạ tầng, quảng bá sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực…
Thống kê cho thấy, để xây dựng được một mô hình nhà kính với công nghệ hiện đại, cần nguồn vốn khoảng trên dưới 15 tỷ đồng. Đối với mô hình chăn nuôi, việc đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ đòi hỏi nguồn chi phí cao hơn ít nhất khoảng 5-6 lần so với mô hình chăn nuôi kiểu truyền thống.
Điều đáng nói, nhiều hợp tác xã đang rơi vào cảnh thiếu thốn nguồn vốn, khó đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ; không có tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thấp nên việc tiếp cận với nguồn vốn vay không thuận lợi. Không những thế, thành viên, người lao động trong hợp tác xã nhiều nơi chưa được đào tạo bài bản nên có những hạn chế nhất định trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, nắm bắt các thông tin, chính sách về công nghệ. Có những hợp tác xã dù có thể đầu tư được máy móc nhưng lại thiếu nguồn nhân lực trong vận hành, bảo trì nên hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao.
Các chuyên gia cho rằng, việc hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận với các chi nhánh ngân hàng đóng tại địa phương là cần thiết để hỗ trợ, tư vấn cho hợp tác xã hoàn thiện thủ tục, tiếp cận được các chương trình hỗ trợ là một trong những lời giải nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong hợp tác xã.
Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn tại các Quỹ tín dụng cũng cần được tháo gỡ kịp thời. Bởi hiện nay, để được xin cấp nguồn vốn từ các Quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã cần đáp ứng rất nhiều các điều kiện. Trong Luật Hợp tác xã 2023, vấn đề xét điều kiện và mô hình hoạt động tại hợp tác xã để vay là rất khó khả thi với nhiều hợp tác xã. Do đó, nhiều hợp tác xã rất cần các chính sách có độ linh hoạt để hấp thụ được nguồn vốn, đầu tư cho công nghệ cao.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần gắn liền với xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa. Do đó, cần tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận thuận lợi với Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nền tảng quan trọng, nâng cơ hội cho hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc trong sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, một trong những thành công của gốm sứ Bát Tràng là ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nâng cao tay nghề cho người làm gốm. Nhờ vậy, những hộ, đơn vị làm gốm ở Bát Tràng không còn sử dụng than, củi để nung gốm.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành, để nhân rộng các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Ngoài ra, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đề xuất hỗ trợ đặc thù cho hoạt động xúc tiến thương mại... Đặc biệt, huy động, ưu tiên nguồn lực cho hợp tác xã nông nghiệp từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (theo chính sách từ các chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ)...