Nâng chất môn Giáo dục thể chất từ trò chơi vận động - thi đấu

Trong những năm qua, Trường THPT Lê Trung Kiên (TX Đông Hòa) đã lồng ghép trò chơi vận động - thi đấu trong tiết dạy môn Giáo dục thể chất, góp phần nâng cao chất lượng và tạo hứng thú cho học sinh học môn này trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh trong đội tuyển bóng chuyền nữ Trường THPT Lê Trung Kiên thường xuyên tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới. Ảnh: ANH TÂN

Học sinh trong đội tuyển bóng chuyền nữ Trường THPT Lê Trung Kiên thường xuyên tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới. Ảnh: ANH TÂN

Tạo hứng thú cho học sinh

Môn Giáo dục thể chất (GDTC) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định học sinh học theo năng khiếu và được tự chọn môn học mình yêu thích. Tuy nhiên trên thực tế, học sinh không được chọn môn học theo sở trường và yêu thích của mình, mà các em được sắp xếp ngẫu nhiên theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Một số trường học cho học sinh chọn lớp theo năng khiếu, sở thích môn thể thao, nhưng sau đó không thể duy trì vì nhiều lý do khác nhau.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều học sinh không vào đúng lớp học sở trường của mình, từ đó các em rất khó trong việc hình thành kỹ năng vận động, thiếu tự tin, giảm hứng thú trong giờ học.

Để kích thích học sinh học tốt môn GDTC, thời gian qua, Trường THPT Lê Trung Kiên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học môn này. Trong đó, nhà trường đã và đang vận dụng hiệu quả phương pháp trò chơi - thi đấu.

Theo thầy Phạm Anh Tân, Tổ trưởng tổ GDTC - Giáo dục quốc phòng và an ninh, để lồng ghép trò chơi vận động - thi đấu trong tiết dạy môn GDTC có hiệu quả, giáo viên phải thường xuyên tham khảo, nghiên cứu, biên soạn nhiều trò chơi hay, phong phú, phù hợp với từng nội dung tiết dạy, tránh lặp lại nhiều lần dễ gây nhàm chán.

Năm học 2024-2025, toàn trường có 29 lớp, trong đó có 15 lớp học môn bóng chuyền, 7 lớp học bóng đá và 7 lớp học bóng rổ. Để tăng cường thể lực, sức mạnh cho học sinh tham gia các nội dung môn học đạt kết quả cao, giáo viên thường tổ chức trò chơi vận động bổ trợ kỹ thuật động tác; trò chơi vận động phát triển thể lực chung và trò chơi vận động phối hợp phát triển thể lực chung, thể lực chuyên môn và ôn tập kỹ thuật động tác, như: bật cóc, bậc tam cấp, chạy tiếp sức, đẩy xe cút kít…

“Đối với môn bóng chuyền, giáo viên tổ chức cho học sinh chơi và thi đấu đối kháng sau khi khởi động các động tác ngồi chuyền, đứng chuyền... Môn bóng đá, giáo viên cho học sinh dẫn bóng qua cọc kết hợp dẫn bóng tốc độ. Môn bóng rổ thì cho các em dẫn bóng qua cọc và ném bóng vào rổ… Nhờ vậy, các em vừa tập được thể lực, sức bền và kỹ thuật chơi tốt những môn thể thao này”, thầy Phạm Anh Tân cho biết.

Đội tuyển bóng rổ Trường THPT Lê Trung Kiên nhiều năm liên tiếp đoạt HCV tại các giải thể thao học đường và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Ảnh: ANH TÂN

Đội tuyển bóng rổ Trường THPT Lê Trung Kiên nhiều năm liên tiếp đoạt HCV tại các giải thể thao học đường và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Ảnh: ANH TÂN

Phát triển phong trào thể thao học đường

Ngoài đổi mới, nâng cao chất lượng môn GDTC, Trường THPT Lê Trung Kiên còn chú trọng phát triển phong trào thể thao học đường. Nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phát triển các môn thể thao thế mạnh của trường như: bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…

Nhà trường còn tạo điều kiện cho các đội tuyển tham gia tập luyện thi đấu tại các giải thể thao học đường hay Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Công tác tuyển chọn VĐV, xây dựng đội tuyển cũng được các thầy, cô dạy môn GDTC chú ý từ những lớp đầu cấp, chọn VĐV mang tính kế thừa.

Những học sinh có năng khiếu, đam mê thể thao từ năm lớp 10 đã được các giáo viên chọn vào đội tuyển tập luyện và nâng dần chất lượng VĐV đến năm lớp 11, lớp 12 thi đấu. Nhờ vậy, các đội tuyển thể thao của trường luôn đạt thành tích ấn tượng trong những năm qua.

Em Lữ Thi Thành Đạt, lớp 11B3, cho biết: “Em tham gia đội tuyển bóng chuyền nam của trường từ năm lớp 10. Để nâng cao thể lực, kỹ thuật thi đấu, hằng ngày em tập luyện và chơi bóng cùng với các anh, các bạn trong đội tuyển để cọ xát. Hiện em nỗ lực tập luyện để ngày một trưởng thành hơn và sẽ tham gia các giải thể thao học đường hay Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh sắp tới”.

Nhờ đổi mới trong dạy và học cũng như chọn, tập luyện các đội tuyển mang tính dài hơi, nhiều học sinh của trường nâng cao thể lực, kỹ thuật thi đấu các môn và đạt thành tích cao mỗi khi tham gia thi đấu tại giải thể thao học đường và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh.

Trong giải thể thao học đường và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển điền kinh chạy tiếp sức nam, nhảy xa nữ của trường đều đoạt HCV. Nhiều em còn đoạt nhiều HCB, HCĐ các nội dung thi khác, đưa đoàn thể thao của trường đứng nhì, ba toàn đoàn khối các trường THPT trong tỉnh.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khẳng định vai trò quan trọng của môn học GDTC là một trong những môn học bắt buộc. Vì thế, mỗi một thầy cô giáo phải luôn nỗ lực, học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng kịp xu thế đổi mới. Hằng năm, các giáo viên trong trường phải luôn đổi mới phương pháp dạy học nhằm mang lại những tiết dạy sôi nổi, hào hứng, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn, lôi cuốn học sinh ham thích học môn GDTC”, thầy Lê Tấn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên nói.

Những năm qua, Trường THPT Lê Trung Kiên đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới dạy học và tập luyện các đội tuyển. Vì thế, mỗi khi tham gia các giải thể thao học đường hay Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, học sinh đều thi đấu mang về thành tích cao, góp phần đưa thành tích của trường nằm trong top đầu khối các trường THPT trong tỉnh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Thị Minh Duyên

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/88/322387/nang-chat-mon-giao-duc-the-chat-tu-tro-choi-van-dong-thi-dau.html
Zalo