Nâng chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng.

Đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông - cơ sở 2 nỗ lực khắc phục khó khăn để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh: B.B

Đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông - cơ sở 2 nỗ lực khắc phục khó khăn để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh: B.B

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, ngành y tế tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của người dân, tập trung ưu tiên các hoạt động dự phòng gắn với y tế cơ sở như: chế độ dinh dưỡng hợp lý; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường luyện tập thể dục - thể thao, vận động toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tăng cường công tác y tế học đường, phòng, chống bệnh nghề nghiệp... Các hoạt động dự phòng, tư vấn, khám và xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai được thực hiện nhằm phòng ngừa các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, phát hiện sớm ung thư và kiểm soát bệnh tật. Mục tiêu là nâng cao thể lực, tầm vóc, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, giảm biến chứng, tử vong, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và phát triển y tế cơ sở, ngành y tế đã triển khai một loạt các biện pháp đồng bộ. Y tế dự phòng được tăng cường năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và duy trì tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các chương trình, đề án an ninh y tế được thiết lập và triển khai để ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm.

Chính sách bảo hiểm y tế được phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội triển khai tại y tế cơ sở, khuyến khích người dân khám, chữa bệnh (KCB) tại đây, tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB bảo hiểm y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hùng, một trong những điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết số 20 là ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KCB. Đến nay, 100% đơn vị KCB sử dụng phần mềm KCB và thanh toán bảo hiểm y tế, 15/16 cơ sở công lập sử dụng hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm và 5/16 đơn vị áp dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế, 19,2% người dân có sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, ngành y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi của người dân, tập trung ưu tiên các hoạt động dự phòng gắn với y tế cơ sở, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số.

Lồng ghép với các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam như: chương trình dinh dưỡng, phòng chống thiếu vitamin K nhằm giảm chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, tạo điều kiện cho mọi người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ về nâng cao sức khỏe, nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi và lối sống để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.

Theo số liệu thống kê năm 2024, ngành y tế tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một số chỉ tiêu quan trọng đạt khá như tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,21%, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 98,1%, tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi lần lượt là 2,6% và 1,7%, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 15,4%...

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra như: tỉ lệ dân số được quản lý sức khỏe mới chỉ đạt 18,7%; trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đạt 52%; số dược sĩ đại học trên 10.000 dân là 1,7; số điều dưỡng viên trên 10.000 dân là 15,5; tỉ lệ giường bệnh tư nhân là 0%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở vật chất y tế dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Chất lượng KCB chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tình trạng thiếu bác sĩ vẫn còn, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Việc triển khai chuyển đổi số và hoàn thành bệnh án điện tử cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư.

Để công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt hiệu quả cao trong tình hình mới, cần tiếp tục quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng các cơ sở y tế bằng nguồn ngân sách tỉnh, xã hội hóa, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, cung cấp dịch vụ KCB. Hằng năm, bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho các hoạt động y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, chương trình y tế - dân số và các hoạt động y tế khác.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đối với bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở, bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo và đào tạo lại bác sĩ có tay nghề chuyên khoa sâu để từng bước tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-chat-luong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-192633.htm
Zalo