Nâng cấp Trường Đại học: Cần thực chất
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (ĐH) (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Trong đó, hiện có 6 ĐH gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhiều trường ĐH lớn cũng đang có kế hoạch 'lên đời' thành ĐH đa ngành với nhiều trường thành viên để thay đổi mô hình quản trị.
Mong muốn nâng tầm thành đại học
Tại lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 của Trường ĐH Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường ĐH Y Hà Nội đang chuẩn bị đề án phát triển thành ĐH. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 của trường là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ của trường trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành ĐH Y Hà Nội.
Thông tin tại tọa đàm "Chuyển đối số trong giáo dục ĐH, kinh nghiệm từ Australia" diễn ra ngày 29/9, TS Lương Ngọc Minh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng 2045, Trường ĐH Hà Nội sẽ trở thành ĐH Hà Nội, trong đó ngoài các trường về chuyên môn sẽ tạo ra một "ĐH số".
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện đủ các tiêu chuẩn quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về ĐH, thành lập tối thiểu 3 - 5 trường trực thuộc. Từ tháng 12/2021, Hội đồng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Ngoại ngữ và khoa Du lịch.
Trước đó, năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành ĐH như: Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y Hà Nội.
Cụ thể, từ năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Cần Thơ thành lập 4 trường, một khoa, một viện gồm: Trường Bách khoa với 9 khoa đào tạo và một xưởng cơ khí; Trường Công nghệ thông tin và truyền thông với 6 khoa đào tạo; Trường Kinh tế với 9 khoa đào tạo; Trường Nông nghiệp với 7 khoa đào tạo và một trại thực nghiệm nông nghiệp; Khoa Giáo dục thể chất; Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm. Đồng thời, Trường ĐH Cần Thơ cũng đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
Đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường có định hướng chiến lược để trở thành ĐH. Trong đó, sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.
Kiểm soát chất lượng thực chất
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh hệ thống giáo dục ĐH vẫn phổ biến các trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, cần khuyến khích các trường liên kết thành ĐH. Việc liên kết sẽ giúp giảm đầu mối, tập trung tìm được đội ngũ lãnh đạo quản lý phù hợp; tránh trường hợp một số trường cùng mục tiêu, sứ mệnh nhưng cạnh tranh với nhau không cần thiết. Dẫu vậy, việc liên kết này phải dựa trên sự tự nguyện thay vì cơ học. Việc liên kết như thế nào, liên kết có thực sự mang lại hiệu quả không cũng phải được Bộ GDĐT thẩm định rất kỹ.
Từ thực tế hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, thời gian tới sẽ không nhiều trường ĐH có khả năng và mong muốn trở thành ĐH. Từ nay đến năm 2025, có thể khoảng 5 - 7 trường đạt điều kiện và Bộ GDĐT sẽ thẩm định rất kỹ càng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, mong muốn của các trường chuyển sang mục tiêu đa lĩnh vực là phù hợp với định hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả đích thực thay vì chỉ nằm ở tên gọi, cần có những giải pháp đồng bộ. Thời gian qua, vẫn còn trường hợp khi chuyển từ trường ĐH lên ĐH nhưng hoạt động chưa đúng với tính chất đa lĩnh vực. Nguyên nhân do việc sáp nhập mới chỉ mang tính cơ học, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo.
“Khi chuyển đổi từ trường ĐH lên ĐH, cần thẩm định kỹ trước khi công nhận cũng như thực hiện kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi để không chỉ là hình thức” - GS.TS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.
Một thực tế cũng cần cân nhắc đó là khi chuyển đổi từ trường ĐH thành ĐH cần tính đến những vấn đề có thể phát sinh. Đơn cử từ câu chuyện tuyển sinh của Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) những năm gần đây sụt giảm nhiều so với thời gian trước do nhiều nguyên nhân như ngành học chưa đa dạng, khó thu hút sinh viên. Trong khi đó, đa số những ngành trường tập trung đào tạo thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp là một trong bốn lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất cả nước trong vòng 5 năm qua theo thống kê của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, trường nằm trong ĐH Thái Nguyên nên phải tuân thủ theo quy định của ĐH vùng, trong đó trường phụ trách đào tạo lĩnh vực nào thì chỉ được phép đào tạo ngành học thuộc lĩnh vực đó. Cùng với vị trí địa lý thuộc khu vực miền núi nên việc thu hút sinh viên theo học rất khó khăn.
Chính vì những yếu tố này, một số ý kiến cho rằng khi chuyển đổi từ trường ĐH thành ĐH cần cẩn trọng nghiên cứu, cân nhắc cũng như lường trước và có phương án xử lý đối với những vấn đề phát sinh nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.