Nâng cấp thị trường chứng khoán – trái phiếu để khơi thông dòng vốn đầu tư
Việc sớm hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời thực hiện minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu sẽ giúp thị trường vốn Việt Nam có thêm cơ hội đón nhận những dòng vốn mới với khối lượng cao hơn nhiều lần mức hiện tại, theo các chuyên gia.
Tín dụng tăng chậm, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều khó khăn khiến nguồn cung vốn cho doanh nghiệp tiếp tục “tắc nghẽn” trong 3 tháng đầu năm 2023.
Với bối cảnh trên, nhiều động thái gỡ khó đã được các cơ quan quản lý triển khai. Chẳng hạn, Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 08/2023 với các quy định cho phép đơn vị phát hành trái phiếu có thêm thời gian để cơ cấu nợ; hai lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Nhưng để gỡ nghẽn thanh khoản, đưa thị trường cổ phiếu – trái phiếu thành kênh huy động vốn trung – dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời giảm áp lực vốn với ngân hàng thì các cơ quan quản lý cần sớm tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng các sản phẩm trên hai thị trường này.
Các bên cần đồng lòng giải quyết khó khăn ngắn hạn
Tại một tạo đàm diễn ra cách đây ít ngày, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho biết bản thân được nhiều câu hỏi từ các cá nhân về việc “làm cách nào để đòi lại tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ?”, trong đó có hai vợ chồng một người bạn đã đầu tư tới 1.000 tỉ đồng vào sản phẩm này. Để giải quyết việc này, hai bên gồm nhà phát hành và trái chủ cần “cố gắng nhìn vào những gì có thể và tìm cách xử lý từ từ”.
“Nhìn vào những gì có thể”, theo ông Nghĩa, là nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành Nghị định 08/2023 với các quy định giúp giảm gánh nặng đáo hạn lượng trái phiếu khổng lồ giai đoạn 2023-2024 và vơi nỗi lo chấp chới bên ranh giới vi phạm pháp luật khi nghĩa vụ nợ đã đến hoặc đến rất gần. Ngoài ra, còn có nỗ lực của các nhà phát hành trong việc giải quyết các khoản nợ đọng trái phiếu bất động sản (BĐS) lên tới hàng nghìn tỉ đồng thời gian gần đây.
Còn “tìm cách xử lý từ từ”, với chuyên gia này, là việc các bên cùng ngồi lại để tìm tiếng nói chung trong bối cảnh nhiều tài sản hoán đổi là bất động sản hiện trong tình trạng xây dựng dở dang hoặc vướng rào cản pháp lý.
Ông Nghĩa cho biết vấn đề hiện tại là “làm thế nào để doanh nghiệp mắc nợ và trái chủ đàm phán được với nhau khi thực tế bên nào cũng muốn thu về quyền lợi tốt nhất?”. Theo đó, có doanh nghiệp đưa ra phương án chỉ đổi trái phiếu lấy 50% giá trị BĐS, còn lại trái chủ phải bỏ thêm tiền. Ngoài ra, có doanh nghiệp muốn giữ định giá BĐS ở mức cao, khiến nhà đầu tư khó chấp nhận hoán đổi.
Về phía nhà đầu tư, sau hào hứng ban đầu, ngày càng nhiều người bày tỏ lo ngại không muốn nhận BĐS khi dự án còn dang dở hoặc vướng pháp lý.
“Hàng loạt khó khăn như thế, nếu không ngồi lại và tìm tiếng nói chung giữa các chủ thể thì nợ BĐS không thể giảm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình trong bối cảnh khối lượng nợ lớn trên thị trường TPDN và tình trạng “đóng băng” trên thị trường BĐS sau thời gian dài phát triển quá đà, lệch lạc đã tạo ra một bài toán khó.
“Nhiều ý kiến nhất trí rằng giải pháp triệt để chính là doanh nghiệp phải vực dậy hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển các dự án khả thi và có hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện không thể làm được như thế, do đã phát triển quá đà, lệch lạc”, ông Nam nói và cho biết có doanh nghiệp có tới 50 dự án dở dang hoặc sở hữu tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu ở mức 30 lần.
Về phía nhà đầu tư, ông Nam cho biết nhiều bạn bè của ông vẫn cho rằng “mua trái phiếu đến hạn là được lấy tiền về” do không nắm được thông tin về việc 38% khối lượng trái phiếu BĐS phát hành năm 2022 không có tài sản bảo đảm, gần 72% doanh nghiệp phát hành không phải doanh nghiệp niêm yết, không minh bạch trong công bố thông tin.
“Bối cảnh như vậy, không có vụ việc Tân Hoàng Minh thì sẽ có những vụ việc của doanh nghiệp khác”, ông Nam phân tích.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã công bố không trả được nợ lãi và gốc trái phiếu, trong đó có không ít doanh nghiệp lớn như Novaland, Đất xanh miền Nam, Hải Phát, Đầu tư LDG, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Danh Khôi khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không thể rút tiền đầu tư.
“Phương án khả thi nhất là cùng chấp nhận lùi một chút, đàm phán tìm một hướng ra phù hợp cho các bên”, ông Nam nói và cho rằng các doanh nghiệp phải nhận diện, chấp nhận mức chiết khấu tài sản, dự án hợp lý hoặc bán cắt lỗ để vượt qua khó khăn.
Cũng theo vị này, Nghị định 08/2023 mới ban hành đã mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Nhưng để có thể gỡ khó, các ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ phải có thiện chí, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp.
Nâng cấp thị trường để hạn chế rủi ro dài hạn
Để hạn chế rủi ro với thị trường vốn trong trung – dài hạn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng định hướng chính sách quản lý thị trường vốn phải hướng tới các yếu tố gồm tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, đảm bảo tính thị trường, không hành chính.
“Doanh nghiệp nào cũng có quyền phát hành trái phiếu, nhưng doanh nghiệp phải hướng tới minh bạch, còn lại để thị trường tự đánh giá”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, yếu tố tinh bạch đến từ sự chủ động trong hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp, các yêu cầu của cơ quan quản lý và quy định của pháp luật. Đồng thời, phải có thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, cần tiến hành đào tạo, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường. Nếu không, doanh nghiệp có minh bạch thông tin cũng không có ý nghĩa.
Với thị trường chứng khoán, tại một hội thảo về chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2021-2030, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn JICA – tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa, cho rằng cải thiện tính công bằng và minh bạch là vấn đề cốt yếu cần giải quyết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, việc thúc đẩy áp dụng các biện pháp giám sát thị trường và công ty chứng khoán, cải thiện hoạt động quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, nâng cao nhận thức bảo vệ nhà đầu tư giúp gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước.
Về việc nâng cao chất lượng thị trường trong dài hạn, ông Kojima Kazunobu khuyến nghị cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán. Đồng thời, củng cố chức năng thị trường sơ cấp (niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng – PV).
Theo chuyên gia này, thị trường sơ cấp cần thể hiện nhiều hơn vai trò thông qua tăng cường thẩm định chi tiết khi niêm yết cổ phiếu/chào bán ra công chúng và giới thiệu đến các tổ chức phát hành phương thức bảo lãnh phát hành/dựng sổ khi chào bán ra công chúng. Điều này có thể nâng cao chất lượng công ty niêm yết khi các doanh nghiệp mới gia nhập sàn chứng khoán được thẩm định, đồng thời tăng số lượng chào bán cổ phiếu ra công chúng, gia tăng tỷ lệ thành công khi xây dựng được niềm tin nhờ vai trò của bên trung gian.
Ngoài ra, các hoạt động như thẩm định niêm yết định tính, thẩm định bảo lãnh phát hành và thẩm định công bố thông tin được thực hiện bởi công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành được kỳ vọng sẽ lọc ra được các công ty có chất lượng cao về tính lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, quản trị công ty, năng lực công bố thông tin và có tiềm năng tăng trưởng.
Cũng theo chuyên gia này, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc áp dụng một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác, gồm phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết.
Bên cạnh đó, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ, cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư, gồm nhà đầu tư nước ngoài.
Về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết việc được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi giúp thị trường Việt Nam có cơ hội đón thêm dòng vốn mới đổ vào thị trường với khối lượng cao hơn ít nhất 5-7 lần lượng vốn đầu tư gián tiếp hiện nay.
Tuy nhiên, Việt Nam mới đạt được 9/17 tiêu chí nâng hạng của MCSI. Với 8 tiêu chí chưa đạt, có ít nhất 2 tiêu chí không nằm trong thẩm quyền xử lý của Bộ Tài chính gồm tự do hóa thị trường ngoại hối và cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng như nhà đầu tư trong nước khi mua chứng khoán tại Việt Nam, the ông Lực.
Còn tại thông báo mới nhất, FTSE Russell cũng cho biết Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” khi đang bị xếp ở mức “hạn chế”. Điều này xuất phát từ thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.
Ngoài ra, quy trình đăng ký mở mới tài khoản cần phải được cải thiện hơn nữa vì các thủ tục hiện tại có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian đăng ký. Đồng thời, cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết “room”.