Nâng cao ý thức và văn hóa giao thông
Tình hình giao thông tại Yên Bái hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh có nhiều thách thức. Nhiều người dân vẫn còn vi phạm các quy định như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay lái xe khi đã uống rượu, bia.

Cán bộ cảnh sát giao thông tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh Trường THCS Động Quan, huyện Lục Yên.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/12/2024, (tức trước khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành) toàn tỉnh ghi nhận 157 vụ tai nạn giao thông, làm chết 69 người và bị thương 144 người, hư hỏng 80 xe ô tô, 150 xe mô tô, 16 phương tiện khác; ước tính thiệt hại tài sản khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ 154 vụ, chết 68 người, bị thương 143 người, hư hỏng 79 xe ô tô, 150 xe mô tô, 14 phương tiện khác. Số liệu này cho thấy tình hình an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập, một phần do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi thấy nhiều người phớt lờ luật lệ khi tham gia giao thông. Có hôm đi làm, tôi chứng kiến nhiều người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, người vượt đèn đỏ rất nguy hiểm. Cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để mọi người ý thức hơn về việc này”.
Nghị định số 168 đã đưa ra nhiều quy định mới về xử phạt các hành vi vi phạm giao thông. Mức phạt đã được điều chỉnh tăng mạnh nhằm tạo ra tính răn đe cao hơn đối với người vi phạm. Cụ thể, mức phạt cho hành vi vượt đèn đỏ đối với phương tiện ô tô có thể lên tới 20 triệu đồng, đối với xe máy lên tới 6 triệu đồng; uống rượu bia khi lái xe ô tô có thể phạt tới 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng, với xe máy phạt tới 10 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Ngay sau khi Nghị định số 168 có hiệu lực, nhiều người dân đã bắt đầu chú ý hơn đến các quy định giao thông. Trên các ngã tư, ngã năm, tình trạng vượt đèn đỏ gần như không còn. Điều này cho thấy rằng, sự nghiêm khắc trong xử phạt đã tạo ra một sự thay đổi trong ý thức của người dân”.
Anh Trần Văn Minh, phường Đồng Tâm chia sẻ: "Ở các ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, giờ hiếm gặp tình trạng ô tô, xe máy cố nhấn ga nhanh hơn với tín hiệu đèn xanh 3 giây”.
Nhiều người cho rằng, Nghị định số 168 xử phạt "mạnh tay” nên đã tác động mạnh mẽ vào ý thức giao thông của người dân. Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng.
Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.
Để xây dựng văn hóa giao thông bền vững, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, tập trung giáo dục tuyên truyền đặc biệt trong trường học từ bậc học mầm non. Những kiến thức cơ bản về luật giao thông, các tình huống giao thông phổ biến và cách xử lý sẽ giúp học sinh hình thành thói quen tốt từ nhỏ. Các cơ quan chức năng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về an toàn giao thông qua nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm...
Sử dụng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ cũng là một cách hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường xử phạt và răn đe. Cần đảm bảo việc thực thi các quy định của Nghị định số 168 một cách nghiêm túc. Mặt khác, xây dựng các chương trình khuyến khích những hành động có tính cộng đồng trong quá trình tham gia giao thông như cứu giúp người, kịp thời phát hiện, báo với cơ quan chức năng những sự cố giao thông…
Cùng đó, cần phát triển hạ tầng giao thông; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua các sự kiện giao thông an toàn như "Ngày không vi phạm giao thông” hoặc "Tuần lễ an toàn giao thông” để nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông. Văn hóa giao thông và ý thức của người dân là hai yếu tố then chốt quyết định sự an toàn và văn minh trong môi trường giao thông.
Nghị định 168 là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện hiệu quả tình trạng này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự chung tay từ tất cả các tầng lớp xã hội. Chỉ khi mỗi người đều ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc tham gia giao thông thì văn hóa giao thông mới thật sự được nâng cao, góp phần tạo dựng xã hội an toàn và văn minh hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện giao thông, vấn đề văn hóa giao thông và ý thức của người dân đang trở thành một trong những thách thức lớn. Giao thông không chỉ đơn thuần là di chuyển từ điểm này đến điểm kia mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Nghị định số 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành đã mở ra hy vọng nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông.