Nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ - Kỳ 1

Kỳ 1: Nguy cơ cao ở chợ truyền thống

Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, công an các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai các đợt tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương ở các chợ truyền thống về việc thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Công an TP.Thủ Dầu Một hướng dẫn tiểu thương chợ Thủ Dầu Một sử dụng bình chữa cháy xách tay

Chủ động giảm nguy cơ

Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, phóng viên nhận thấy nhiều chợ chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Lối đi giữa các quầy, sạp hàng nhỏ hẹp và các hộ kinh doanh tận dụng để bày bán hàng hóa. Đặc biệt, tại các gian hàng bán sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa, tạp vật… hàng hóa sắp xếp san sát trong một không gian chật hẹp tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rất cao. Ngoài khu vực chợ chính được xây dựng kiên cố thì tại các khu vực chung quanh thường dựng tạm bợ bằng khung thép hoặc các loại vật liệu gỗ, vải bạt, giấy… có khả năng dẫn lửa nhanh nếu xảy ra cháy nổ… Các gian hàng buôn bán lại san sát nhau, chỉ cần có cháy thì khả năng ngọn lửa lan rất nhanh.

Thực tế cho thấy, nguy cơ dẫn đến cháy nổ ở các chợ truyền thống rất cao, nhất là khi các tiểu thương còn chủ quan trong sử dụng các thiết bị điện hoặc đốt vàng mã vào các ngày rằm, mùng một âm lịch mỗi tháng. Trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy, nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ là rất cần thiết.

Thời gian qua, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, công an các địa phương thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương về quy định an toàn PCCC. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng định kỳ huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, các tiểu thương, hộ kinh doanh trong khu vực quản lý; chuẩn bị các phương án chữa cháy tại chỗ, bảo đảm có thể nhanh chóng xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra.

Ghi nhận tại chợ Thủ Dầu Một những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lượng người đi chợ ngày một đông. Chợ Thủ Dầu Một được chia làm 4 khu vực gồm khu thương xá, ki-ốt trái cây hoa tươi, trung tâm ăn uống, chợ lồng. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân, lượng hàng hóa tích trữ rất lớn lớn, nếu công tác phòng cháy không được Ban Quản lý và các hộ tiểu thương đề cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ. Khi xảy ra cháy, dễ cháy lan, cháy lớn, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Nâng cao ý thức

Đại úy Tô Ngọc Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời điểm cận tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Trong khi đó, thời tiết đang vào mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ cao. Chính vì vậy công tác kiểm tra, hướng dẫn và tuyên truyền của lực lượng chức năng giúp bảo đảm an toàn PCCC để mỗi người dân, tiểu thương kinh doanh trong và ngoài các chợ trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về việc bảo đảm an toàn PCCC.

Công an TP.Thủ Dầu Một vừa tổ chức kiểm tra công tác PCCC&CNCH đối với các tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một. Bà Cao Lành, tiểu thương kinh doanh gian hàng vải sợi cho biết: “Sau khi được đoàn kiểm tra tuyên truyền, chúng tôi quan tâm, chủ động hơn trong việc phòng ngừa cháy tại gian hàng của mình. Hiện tại các tiểu thương không còn đốt vàng mã vào dịp rằm hàng tháng”.

Trong khi đó, Thiếu tá Phạm Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.Tân Uyên, cho biết thời gian qua Công an TP.Tân Uyên tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về PCCC&CNCH đến chủ cơ sở kinh doanh. Đối với các chợ truyền thống, đã hướng dẫn các hộ tiểu thương và người dân chấp hành nội quy, quy định về an toàn PCCC&CNCH của chợ, việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt; không tự ý cơi nới lều bạt, ảnh hưởng đến hành lang an toàn PCCC, lối thoát nạn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn; sắp xếp, bố trí hàng hóa ngăn nắp, theo đúng chủng loại; tuyệt đối không đốt nhang đèn, vàng mã trong chợ và hướng dẫn cách dập tắt đám cháy, thoát nạn khi có sự cố tai nạn, cháy nổ xảy ra.

Để kịp thời xử lý tình huống phát sinh đám cháy từ ban đầu, lực lượng Công an TP.Thuận An cũng đã hướng dẫn những thao tác cơ bản về sử dụng bình chữa cháy cầm tay, vòi chữa cháy chuyên dụng. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh tham gia thực hành chữa cháy, dập tắt ngọn lửa tại khay xăng, bình gas. Qua đó, góp phần hình thành ý thức phòng ngừa hỏa hoạn từ sớm, từ xa để giảm thiểu các vụ cháy gây thiệt hại về người, tài sản khi không may xảy ra các sự cố cháy nổ tại các chợ truyền thống (còn tiếp).

Ông Văn Thành Trung, đại diện Ban Quản lý chợ Thủ Dầu Một, cho biết việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy không chỉ giúp giảm nguy cơ về cháy nổ mà còn tạo ra một môi trường mua bán, trao đổi hàng hóa an toàn cho người dân. Thời gian qua, Ban Quản lý chợ luôn chú ý đến việc nâng cao nhận thức cho các tiểu thương về công tác phòng cháy chữa cháy. Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy định kỳ hàng tháng do Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở thực hiện, Ban Quản lý chợ luôn tích cực phối hợp với lực lượng công an tổ chức tập huấn, kiểm tra hệ thống báo cháy...

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nang-cao-y-thuc-phong-ngua-chay-no-ky-1-a340023.html
Zalo