Nâng cao ý thức giao thông trong lứa tuổi học sinh

Tình trạng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… tuy có giảm, nhưng vẫn tồn tại nhiều, cần phải tiếp tục xử lý.

 CSGT làm việc với các học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông

CSGT làm việc với các học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông

Có chuyển biến, nhưng ý thức chưa cao

Nhiều giải pháp đã được các đơn vị, ban, ngành liên quan trên địa bàn thành phố Huế áp dụng để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) trong lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, vi phạm TTATGT còn những diễn biến phức tạp, phổ biến trong lứa tuổi học sinh.

Học sinh lớp 10 tên N.N.G.H. đang theo học tại Trường THPT H.B.T đã bị lực lượng CSGT gửi giấy thông báo đến ban giám hiệu nhà trường về hành vi điều khiển xe máy có phân khối lớn so với lứa tuổi được quy định của pháp luật. Với hành vi này, em H không chỉ bị hạ hạnh kiểm, mà người giao xe cho em H điều khiển cũng bị phạt vi phạm hành chính vì hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển.

Một cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT Công an thành phố Huế cho biết: Với lỗi này, nếu áp dụng theo Nghị định 168/2024 của Chính phủ, người giao xe sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể, theo khoản 10, Điều 32 quy định, phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 16 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.

Thống kê của ngành chức năng, sau 1 năm (từ ngày 21/12/2023 đến 21/12/2024) thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới”, lực lượng nghiệp vụ toàn thành phố phát hiện, lập biên bản 1.863 trường hợp vi phạm TTATGT trong lứa tuổi học sinh; tạm giữ 1.266 mô tô, xe máy; ước tính thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng; tổ chức xác minh, gửi thông báo 676 trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT đến các trường học, cơ sở giáo dục, nơi cư trú.

 Học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm

Học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm

Ông Lê Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, quận Phú Xuân, thành phố Huế thông tin: Bằng nhiều hình thức, trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh, nhất là học sinh khối 10 tuyệt đối không được vi phạm TTATGT. Trong các buổi chào cờ đầu tuần, tiết học ngoại khóa, gặp mặt phụ huynh đầu năm học, trường đều lưu ý học sinh và các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm giao thông, TNGT.

Các trường học khác cũng có những giải pháp, với quyết tâm không để học sinh vi phạm TTATGT, thế nhưng thực tế có không ít học sinh vi phạm.

Nhiều phụ huynh vẫn cố tình giao xe cho con em mình điều khiển tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Tình trạng phụ huynh chở con em mình lưu thông trên đường không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… vẫn diễn ra.

Kiên quyết xử lý các vi phạm

Từ ngày 21/12/2023 đến 21/12/2024, lực lượng nghiệp vụ toàn thành phố đã phối hợp tổ chức ký cam kết đối với 11.216 học sinh, giáo viên về việc chấp hành quy định về ATGT; 9.263 phụ huynh không giao xe cho học sinh, sinh viên không đủ điều kiện điều khiển khi tham gia giao thông.

"Bên cạnh ý thức tham gia giao thông của phụ huynh, học sinh, thì việc tổ chức giao thông tại khu vực cổng trường, trong trường học của các trường và ngành chức năng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các trường nằm trên các tuyến đường trục chính đô thị, đường quốc lộ, tỉnh lộ - nơi có mật độ phương tiện nhiều và phương tiện giao thông cơ giới lưu thông với tốc độ lớn. Một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được điểm dành cho phụ huynh dừng, đỗ phương tiện chờ đón con em dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất TTATGT tại khu vực trước cổng trường học trong giờ cao điểm”, anh Trần Anh Vinh, trú tại phường Trường An, quận Thuận Hóa trao đổi.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn ATGT cho các em học sinh được các nhà trường phối hợp tổ chức, nhưng mới chỉ nằm trong giới hạn lý thuyết, hạn chế thời gian thực hành, dẫn đến việc học sinh thiếu kỹ năng khi tham gia giao thông.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh khẳng định, đã có sự chuyển biến sâu rộng, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Hoàng Hải Minh yêu cầu các đơn vị, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt các trường hợp phụ huynh, học sinh điều khiển phương tiện vi phạm; trong đó, bố trí lực lượng vào các khung giờ cao điểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; xử lý nghiêm các trường hợp giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định. Với các hành vi cố ý, vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/nang-cao-y-thuc-giao-thong-trong-lua-tuoi-hoc-sinh-150755.html
Zalo