Nâng cao vị thế Việt Nam
Chuyến công tác tới Ba Lan, Czech, Thụy Sĩ của Thủ tướng đã kết thúc tốt đẹp, tiếp tục thực hiện hiệu quả và khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam
Ngày 23-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác, thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.
Tạo động lực hợp tác mới
Trong chuyến công tác kéo dài 8 ngày, kể cả thời gian di chuyển, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một lịch trình hoạt động dày đặc, phong phú, đa dạng. Cả 3 nước đã dành cho Thủ tướng, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân tình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội của Ba Lan, Czech và hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ. Kết quả nổi bật là cả 3 nước đều mong muốn và nhất trí nâng cấp và hướng tới nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Trong đó, Việt Nam - Ba Lan thúc đẩy để nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược; Việt Nam - Czech nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược; Việt Nam - Thụy Sĩ nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước thống nhất các biện pháp tạo động lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch, lao động...; đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng, dược phẩm, công nghiệp ô tô, kết nối hàng không và đường sắt... Trong đó, với Ba Lan và Czech, hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại sớm đạt 5 tỉ USD/năm thay vì khoảng 2 tỉ USD như hiện nay.
Nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các thỏa thuận và mong muốn tăng cường hợp tác, trong chuyến thăm các nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số tổ chức, đảng chính trị, hội hữu nghị; thăm một số cơ sở văn hóa, khoa học - kỹ thuật tại các nước.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các diễn đàn, đối thoại và làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu các nước nhằm kêu gọi đầu tư, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam - các nước. Trong chuyến thăm của Thủ tướng, Việt Nam và 3 nước đã ký 8 thỏa thuận hợp tác về ngoại giao, lao động, hàng không, giáo dục, thể thao, văn hóa.
Đặc biệt, tại Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa Czech, Thủ tướng dành thời gian thăm các cơ sở kinh tế do người Việt Nam làm chủ; có các cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và Czech trong chương trình "Xuân Quê hương", đem tình cảm ấm áp từ quê hương đến với đồng bào ta tại các nước khi Tết đến xuân về.
Truyền tải thông điệp mạnh mẽ
Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ với hơn 30 giờ tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình dày đặc. Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 4 phiên thảo luận của hội nghị, trong đó có 3 phiên được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam, đặc biệt là các phiên đối thoại.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề "Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường". Tham dự đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương WEF Joo-Ok Lee cùng hơn 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF.
Thủ tướng đã tham dự và phát biểu, đối thoại tại phiên đối thoại chính sách đặc biệt "Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu".
Phiên đối thoại được WEF sắp xếp làm điểm nhấn trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của Hội nghị và là một trong 5 phiên đối thoại chính sách với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, những người được WEF đánh giá là có tầm nhìn, ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng được tổ chức tại Hội nghị WEF Davos năm nay.
Phiên đối thoại được truyền hình trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến lớn của WEF. Đối thoại giữa Thủ tướng và người dẫn chương trình nổi tiếng, Trưởng Ban Biên tập tạp chí Financial Times Gillian Tett, đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam là lựa chọn chiến lược hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn.
Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế; cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trao đổi, đối thoại với gần 250 tập đoàn hàng đầu tại 5 cuộc tọa đàm nhân dịp hội nghị.
Tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã truyền thông điệp mạnh mẽ về sự chân thành, hợp tác, đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; đồng thời với sự tin cậy, năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng, Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác.
Chuyến công tác tới Ba Lan, Czech, Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp; tiếp tục thực hiện hiệu quả và khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam; góp phần làm sâu sắc quan hệ Việt Nam với các đối tác; nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam; chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng và thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
3 ưu tiên chiến lược
Trước khi rời Thụy Sĩ, chiều 22-1 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa" do Chủ tịch WEF Borge Brende điều hành.
Chia sẻ tầm nhìn của mình về ASEAN trong tương lai, Thủ tướng nhấn mạnh trong kỷ nguyên thông minh, một ASEAN thành công cần bảo đảm vững chắc 6 yếu tố: Về chính trị an ninh phải hòa bình, ổn định, không có chiến tranh; về kinh tế phải phát triển nhanh và bền vững; về văn hóa cần thúc đẩy sự thống nhất trong đa dạng, vừa phát triển bản sắc ASEAN, vừa giữ gìn bản sắc của từng thành viên; về môi trường phải bảo đảm việc khai thác và sử dụng bền vững, bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau; về xã hội cần bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển bao trùm và không bỏ ai lại phía sau.
Để vững bước trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam không thể phát triển ở tốc độ trung bình như thông thường. Thủ tướng nêu bật quyết tâm của Việt Nam phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và số hóa thông qua 3 ưu tiên chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Những chia sẻ thẳng thắn, nhận định sâu sắc của Thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng và đồng tình từ diễn giả cũng như đông đảo đại biểu.