Nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới du lịch toàn cầu
Hội nghị khu vực TPO năm 2025 dành cho các thành viên Việt Nam đã tạo diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các thành phố thành viên trong phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới du lịch toàn cầu.
TPO (Tourism Promotion Organization for Global Cities - Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu) là tổ chức du lịch lớn có trụ sở tại Busan (Hàn Quốc), hoạt động với mục đích vì sự phát triển và thịnh vượng của các thành phố thành viên thông qua sự hợp tác giữa các thành phố trong lĩnh vực du lịch. TPO hiện có 137 thành viên thuộc 16 quốc gia, trong đó, Việt Nam có 8 tỉnh, thành phố là thành viên của TPO gồm: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Vũng Tàu.
Hội nghị khu vực TPO năm 2025 dành cho các thành viên Việt Nam do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ban thư ký TPO tổ chức từ ngày 26 đến 28/3 tại Hà Nội. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: “Hội nghị khu vực TPO năm 2025 không chỉ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, mà còn là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các thành phố thành viên. Hà Nội tin tưởng, thông qua Hội nghị sẽ có thêm nhiều dự án kết nối giữa các thành phố của Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như du lịch golf, MICE, nghỉ dưỡng, văn hóa và lịch sử”.
Tổng thư ký TPO, bà Kang Da-eun đánh giá, hội nghị lần này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy các sáng kiến mới giữa các thành viên. “Chúng tôi tin tưởng rằng, các đại biểu sẽ nhận được nhiều thông tin hữu ích từ những tham luận chuyên sâu, đồng thời có thể thiết lập các kết nối hiệu quả qua hoạt động giao lưu, trao đổi bên lề hội nghị”, bà Kang nói.
Với chủ đề “Định hình sản phẩm du lịch độc đáo: Tăng sức hấp dẫn cho các thành phố Việt Nam”, Hội nghị tập trung thảo luận chiến lược phát triển sản phẩm sáng tạo, tạo điểm nhấn khác biệt nhằm thu hút khách quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành phố trong mạng lưới TPO.
Trong bài tham luận chuyên đề “Xu hướng du lịch toàn cầu và triển vọng du lịch Việt Nam”, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho biết, doanh thu của du lịch toàn cầu đã vượt mốc năm 2019, đạt 104%, đặc biệt tăng mạnh ở phân khúc cao cấp. Khu vực Trung Đông dẫn đầu về tốc độ phục hồi (đạt 132%), trong khi châu Á - Thái Bình Dương, dù phục hồi chậm hơn (87%) nhưng vẫn chiếm tới 33% tổng lượng khách toàn cầu và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Tại Việt Nam, Quảng Nam trở thành điểm sáng khi đạt mức tăng trưởng khách quốc tế 137%, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Đồng thời, chi tiêu du lịch outbound của người Việt cũng tăng 93%, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chi tiêu trên 5 tỷ USD, đứng đầu trong nhóm chi tiêu cao.
Ông Long nhận định, năm 2025 sẽ là năm bản lề và bứt phá của ngành du lịch. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra ba thách thức lớn ngành du lịch sẽ đối mặt gồm chi phí đi lại tăng cao, thiếu nguồn cung lưu trú chất lượng và tác động từ bất ổn kinh tế toàn cầu.
Về xu hướng, ông Long nhấn mạnh 6 xu hướng nổi bật đang định hình lại ngành công nghiệp không khói là: du lịch bền vững và có trách nhiệm; du lịch cá nhân hóa và tự túc; du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần; khám phá các điểm đến mới, riêng tư, tránh cao điểm; du lịch cao cấp dành cho giới thượng lưu; du lịch kết hợp làm việc (workation).
“Du lịch bền vững không còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành một tiêu chí thực sự trong lựa chọn điểm đến. 70% du khách sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những sáng kiến như Net Zero, công nghệ AI, chatbot, hay các nền tảng số đang hỗ trợ mạnh mẽ cho xu hướng du lịch thông minh, cá nhân hóa”, ông Long thông tin.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Mai Thy, quản lý thị trường Việt Nam của Traveloka chia sẻ về vai trò ngày càng lớn của OTA (đại lý du lịch trực tuyến) trong việc thúc đẩy du lịch bền vững. Bà cho rằng, các nền tảng số như Traveloka đang giúp quảng bá hiệu quả cho những điểm đến ít được biết đến tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vươn xa với chi phí thấp.
Bà Thy đề xuất định hướng lớn để tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam gồm: xây dựng thương hiệu điểm đến qua kể chuyện số; tận dụng OTA để mở rộng thị trường; đẩy mạnh hợp tác công - tư để đồng bộ hóa hạ tầng và chính sách; phát triển du lịch xanh, có trách nhiệm, lấy cộng đồng làm trung tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao vai trò của TPO và các thành viên. Ông nhấn mạnh, TPO là một sáng kiến toàn cầu hiệu quả, đã góp phần kết nối các thành phố và điểm đến du lịch lớn trong khu vực. Theo ông Siêu, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, vai trò kết nối của TPO càng trở nên quan trọng, đặc biệt là thông qua công nghệ và các sáng kiến chung.
“Tôi mong rằng, TPO sẽ tiếp tục phát huy vai trò định hướng, đưa ra những chiến lược dài hạn cho các thành viên cùng chung tay thu hút du khách, doanh nghiệp và cả nguồn lực đầu tư vào mạng lưới du lịch chung, trong đó có Việt Nam”, ông Hà Văn Siêu bày tỏ.