Nâng cao vai trò hội thẩm nhân dân
Là đại diện của nhân dân, người trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng tại phiên tòa, hội thẩm nhân dân có địa vị pháp lý quan trọng, góp phần bảo đảm tính công bằng, khách quan của pháp luật.
Các vị hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh
Thành phần không thể thiếu
Việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử của tòa án được thể hiện tập trung nhất thông qua chế định về hội thẩm nhân dân, “lấy dân làm gốc”, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là chế định được ghi nhận từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đến Hiến pháp hiện hành năm 2013; được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND). Theo đó, việc xét xử sơ thẩm của TAND có hội thẩm nhân dân tham gia; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia, là một trong những người tiến hành tố tụng.
Theo luật định, hội thẩm nhân dân có địa vị pháp lý và vai trò quan trọng trong công tác xét xử. Cụ thể, nếu ý kiến biểu quyết của các hội thẩm giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán, thì quyết định của Hội đồng xét xử phải tuân theo ý kiến của đa số thành viên. Qua đó cho thấy, trách nhiệm của mỗi hội thẩm hết sức nặng nề. Để làm tốt nhiệm vụ, trong từng vụ việc, đòi hỏi hội thẩm không chỉ nắm rõ luật, mà cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước ngày mở phiên tòa, nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ vụ việc. Khi phát hiện vấn đề mới, vướng mắc thì trao đổi, phản ánh với vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Tham gia Đoàn hội thẩm nhân dân TAND tỉnh khá lâu, ông Đỗ Thanh Đoàn chia sẻ: “Trong từng vụ việc được phân công, tôi thường đọc kỹ, hỏi thêm đồng nghiệp, người trong nghề. Quá trình xét xử phải ghi chép lại những điều chưa rõ, sau đó tìm cách đặt vấn đề trực tiếp với bị cáo. Nhờ vậy, vừa không trùng lặp với thẩm phán, vừa góp phần làm rõ thêm tình tiết, vướng mắc. Đơn cử, trong vụ việc mới đây, bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận hành vi sai trái của mình, nhưng khi tranh tụng tại phiên tòa lại chối tội. Sau phần tranh tụng, tôi hỏi thêm, thẩm vấn lại những điểm quanh co, chưa phù hợp, cuối cùng bị cáo cũng thừa nhận tội”.
Ngoài việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, thông qua việc thẩm vấn, hội thẩm nhân dân còn giáo dục, cảm hóa bị cáo, bị hại, người có nghĩa vụ liên quan, nhân chứng trong vụ án hình sự; giúp người khởi kiện và bị khởi kiện trong vụ án dân sự nhận thức đúng đắn hơn về quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Kim Cương (người có nhiều năm tham gia công tác hội thẩm nhân dân) cho biết, là nữ hội thẩm, bà không chỉ tham gia vụ án có yếu tố hôn nhân và gia đình, mà còn ở vụ án hình sự, hành chính, lao động... Trước khi tham gia xét xử, bà nghiên cứu kỹ hồ sơ, tìm những điều chưa rõ, để có tiếng nói khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, xử đúng người, đúng tội.
Tiếp tục nâng cao kỹ năng nghiệp vụ
Ông Nguyễn Hồng Hoai (Trưởng đoàn hội thẩm nhân dân TAND tỉnh) cho biết, hiện đoàn có 39 vị hội thẩm nhân dân. phần lớn nghỉ hưu, thuộc nhiều ngành nghề và am hiểu pháp luật. Theo quy định, tại phiên tòa sơ thẩm, thành phần Hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân. Với những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, hội thẩm chiếm 3/5 thành viên của Hội đồng xét xử. Trong quá trình tham gia xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán, có tư cách pháp lý độc lập, quan điểm rõ ràng, độc lập, không phụ thuộc vào thẩm phán, chỉ tuân thủ quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm 176 vụ án các loại, chiếm khoảng 50% lượng án dự kiến xét xử trong năm. Trên cơ sở quy chế phối hợp hoạt động giữa TAND tỉnh An Giang và Đoàn hội thẩm nhân dân, khi có lịch xét xử của tòa, lãnh đạo đoàn cử hội thẩm nhân dân để TAND ra quyết định phân công tham gia từng vụ việc. Khi được phân công, hội thẩm làm tốt vai trò, trách nhiệm, có việc đột xuất phải báo ngay cho đoàn phân công hội thẩm (dự khuyết) thay, không có trường hợp hoãn phiên tòa do vắng mặt hội thẩm. Qua thời gian và từng vụ việc, hội thẩm nhân dân tự học hỏi, kiến thức pháp luật được nâng lên, kỹ năng tham gia xét xử từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, hội thẩm nhân dân cần tiếp tục tự nâng chất hoạt động, kiến thức pháp nói chung, tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề và cập nhật văn bản pháp luật mới.
Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang Lý Ngọc Sơn ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Đoàn hội thẩm nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Hội thẩm nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hoạt động xét xử sơ thẩm các loại vụ án. Các vị hội thẩm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia xét xử hiệu quả nhiều vụ án. Hầu hết bản án Hội đồng xét xử ban hành đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, thấu tình, đạt lý, bảo đảm quy định pháp luật. Sự tham gia xét xử của hội thẩm nhân dân góp phần bảo đảm quyền làm chủ, giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử của TAND. Thời gian tới, đề nghị các vị nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tham gia nhiều hơn, đầy đủ hơn hoạt động tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kịp thời hơn văn bản pháp luật mới. Nghiên cứu hồ sơ vụ án ngoài hiệu suất cao, cần chuyên môn hóa, góp phần cùng TAND tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.