Nâng cao trình độ tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công tác tại vùng DTTS
Triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số có ý nghĩa lớn đối với đội ngũ cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ ở vùng DTTS.
Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng DTTS
Việc tổ chức các lớp dạy và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, chiến sĩ Công an, Bộ đội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong quá trình công tác, bên cạnh đó còn góp phần trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân.
Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, cùng nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thời gian qua, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn... tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, giáo viên, các chiến sĩ Công an, Bộ Đội biên phòng các tỉnh.
Mỗi lớp tập huấn có từ 40 đến 50 học viên đang công tác tại các địa bàn cơ sở. Trong thời gian 4 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào, đáp ứng yêu cầu công tác tại địa phương.
Bên cạnh đó, các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiến sĩ Triệu Quỳnh Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển vùng Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Chúng tôi được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giáo viên dạy tiểu học, giáo viên mầm non về một số tiếng dân tộc như: Tiếng Tày, tiếng Mông, tiếng Dao.
Thời gian đầu, do đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia chương trình nên đội ngũ nhân lực không tránh khỏi bỡ ngỡ, tuy nhiên bằng tất cả tình yêu, niềm say mê những nhà giáo nhà khoa học đã vượt qua tất cả những khó khăn, nỗ lực hoàn thành mục tiêu được giao.
Theo tiến sĩ Lê Thị Như Nguyệt, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên: Việc giáo dục ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào DTTS là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm và luôn luôn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy, những ấn phẩm để phục vụ cho công tác giảng dạy tiếng DTTS đã lần lượt được nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên cho ra đời và phục vụ tốt cho nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
Tạo thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt các nhiệm vụ
Tỉnh Hà Giang là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 87%, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 32%. Với địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nên việc xây dựng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2023, Đại học Thái Nguyên phối hợp Công an tỉnh Hà Giang tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng Trung Quốc và tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.
Lớp tập huấn có 150 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các địa bàn cơ sở của tỉnh Hà Giang,trong đó lớp bồi dưỡng tiếng Trung Quốc có 40 cán bộ, chiến sĩ và lớp bồi dưỡng tiếng Mông có 70 cán bộ. Tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng Trung Quốc và vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc và dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với nhân dân và đồng bào đáp ứng yêu cầu công tác công an tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của nước bạn Trung Quốc và đồng bào dân tộc Mông. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cán bộ, chiến sĩ được học tập, trang bị khả năng sử dụng tiếng Trung và tiếng Mông để áp dụng vào thực tiễn công tác.
Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, Công an các đơn vị quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đầy đủ. Đối với học viên cần nêu cao trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế lớp học, nghiên cứu, lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt, tăng cường đối thoại, trao đổi tương tác đa chiều giữa giảng viên và học viên, phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa học.
Như vậy, thông qua lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc nhằm nâng cao khả năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, đồng thời am hiểu thêm về phong tục tập quán của dân các dân tộc thiểu số cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị.
Trên cơ sở đó nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.