Nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Thời gian qua, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai thường xuyên giữ mối liên hệ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh; đồng thời, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.
![Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị Góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tháng 4-2024. Ảnh: H.Dung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_423_51416594/dd84f189c9c7209979d6.jpg)
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị Góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tháng 4-2024. Ảnh: H.Dung
Ngoài ra, các ĐBQH còn tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều kết quả tích cực
Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nguyễn Thái Hà cho biết, trong năm 2024, công tác tham gia xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới thông qua việc cải tiến phương pháp thu thập thông tin. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị với 154 ý kiến xung quanh các vấn đề trọng tâm của các dự án luật trước kỳ họp Quốc hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi - nhận tài liệu các dự án luật tiếp tục được phát huy.
ĐBQH là thành viên của các cơ quan Quốc hội đã chủ động bố trí thời gian tham gia hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự án luật do cơ quan của Quốc hội tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan thẩm quyền được chuyên môn hóa, đi vào nền nếp và ngày càng được tăng cường thông qua hoạt động tiếp công dân của ĐBQH vào ngày thứ năm hàng tuần; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tiếp công dân vào ngày thứ ba hàng tuần.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai hiện có 11 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu trung ương và 6 đại biểu địa phương.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo cơ quan tham mưu, giúp việc tổng hợp, rà soát, lập báo cáo định kỳ hàng quý để đôn đốc thủ trưởng các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo luật định.
Trong công tác giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh lựa chọn giám sát những nội dung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tư pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời kiến nghị đến các cơ quan ở địa phương và Trung ương.
Tại các kỳ họp Quốc hội, các vị ĐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đóng góp 114 lượt ý kiến tại tổ và hội trường. Tập trung phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng, các chính sách mới nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động và đánh giá quy chế phối hợp năm 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh vào
tháng 1 vừa qua, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho hay, trong năm qua, HĐND tỉnh đã tích cực tham gia hoạt động góp ý các dự án luật cùng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Sau khi đi tiếp xúc cử tri, HĐND tỉnh đã tổng hợp các nội dung, kiến nghị liên quan đến trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Trung ương, gửi Đoàn ĐBQH tỉnh nhằm tổng hợp để chuyển đến các bộ, ngành, cơ quan, Chính phủ giải quyết. Trong năm 2024, trong số 10 ý kiến, có 3 ý kiến đã được giải quyết, còn 7 ý kiến của cử tri chưa được các bộ, ngành trung ương có ý kiến giải quyết. Vì vậy, HĐND tỉnh mong muốn trong năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục có những kiến nghị, đôn đốc các bộ, ngành trung ương giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà kiến nghị, trong năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành giám sát tiến độ thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo mong muốn của đông đảo cử tri. Bên cạnh đó, đề nghị các ĐBQH Trung ương thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia tích cực hơn nữa trong các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà.
“Cử tri rất quan tâm và mong muốn các ĐBQH nỗ lực thực hiện đúng chương trình hành động như đã hứa với cử tri từ đầu nhiệm kỳ” - bà Lưu Thị Hà chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân cũng như công tác lập pháp. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, UBND tỉnh thực hiện phản biện các dự án ngay từ đầu để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, đưa Đồng Nai ngày càng phát triển.
ĐBQH Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bộc bạch được Trung ương giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH tại Đồng Nai là vinh dự lớn đối với ông. Ông ý thức được rằng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cử tri tỉnh nhà rất kỳ vọng vào các ĐBQH. Ông sẽ nỗ lực làm hết trách nhiệm của người ĐBQH trong việc xây dựng pháp luật, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp tiếng nói để cùng các bộ, ngành trung ương giải quyết những vướng mắc của tỉnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến tâm huyết, trí tuệ, năng lực để thực hiện tốt trách nhiệm của người ĐBQH, hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó” - ông Nguyễn Công Long nói.