Nâng cao trách nhiệm cộng đồng để giữ nghề, thương hiệu đá quý Lục Yên

Lục Yên nổi tiếng là 'thủ phủ' đá quý của Việt Nam, nơi sản sinh ra những viên Ruby Hồng Ngọc tuyệt tác và đã từng có viên được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít đối tượng thực hiện hình thức 'đổ thạch' qua livestream để lừa bán các sản phẩm kém chất lượng, chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng không chỉ gây thiệt hại tài sản cho nhiều người mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nghề đá quý tại địa phương.

Chợ đá quý Lục Yên họp vào buổi sáng tất cả các ngày trong tuần

Chợ đá quý Lục Yên họp vào buổi sáng tất cả các ngày trong tuần

Được mệnh danh là "đất Ngọc", Lục Yên từ lâu đã nổi tiếng là "thủ phủ" đá quý của Việt Nam, nơi sản sinh ra những viên Ruby Hồng Ngọc tuyệt tác và đã từng có viên được công nhận là Bảo vật quốc gia. Không chỉ mang giá trị kinh tế, nghề chế tác đá quý ở Lục Yên còn là biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh, bán hàng trực tuyến trên mạng (livestream) đã thực hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng lòng tin, sự hiếu kỳ của khách hàng để bán các sản phẩm kém chất lượng.

Dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý các đối tượng vi phạm, nhưng những người đã gắn bó với nghề đá quý ở Lục Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung cũng cần phải nâng cao trách nhiệm cá nhân, coi đây là yếu tố sống còn để bảo vệ và phát triển thương hiệu đá quý để bảo vệ chính mình và cộng đồng những người làm nghề chân chính.

Livestream "đổ thạch” giả

Theo thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái, vào khoảng cuối tháng 7/2024, một nhóm đối tượng gồm H.V. Sự, H.V. Sắc, H.V. Giàu cùng một số đối tượng cùng trú tại xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên đã cùng nhau bàn bạc và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.

Theo đó, nhóm đối tượng này đã mua đá Fluorite màu xanh trên mạng xã hội với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Sau đó, các đối tượng trong nhóm đã chia nhỏ các viên đá này ra và dùng hai tài khoản TikTok có tên "Đá Quý Mai Linh” (sau đổi tên thành "Đá Quý Chính Biển”) và "Đá Quý Hi Ma Đăm” để phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) rao bán các viên đá này như thể đó là đá quý thô, bao gồm loại xi xanh hoặc Spinel xanh.

Hình ảnh các buổi livestream "đổ thạch"

Trong các buổi livestream, các đối tượng quảng cáo rằng nếu đập hoặc cắt các viên đá này (theo cách gọi của họ là "đổ thạch”), khách hàng có khả năng thu được đá quý chất lượng tốt, có giá trị cao. Nhóm đối tượng tuyên bố nếu bên trong viên đá có đá quý, nhóm sẽ mua lại với giá cao. Ngược lại, nếu không có đá quý, khách hàng sẽ mất số tiền đã bỏ ra.

Các viên đá này được rao bán với giá từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi viên. Người mua muốn sở hữu viên đá phải chuyển tiền trước vào tài khoản của các đối tượng. Sau đó, nhóm đối tượng sẽ đập hoặc cắt viên đá ngay trên livestream để cho khách hàng xem kết quả. Nhiều người cả tin nhẹ dạ lại không có kinh nghiệm đã bị sập bẫy và các đối tượng, đương nhiên, chỉ chờ có thế là ẵm gọn tiền của "con mồi".

Hành vi trên không chỉ gây thiệt hại tài sản cho nhiều người mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nghề đá quý tại địa phương. Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Hệ lụy từ việc biến tướng "đổ thạch”

Được biết, hình thức "đổ thạch” phát trực tiếp trên mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc (cách đây 10 - 15 năm) nhưng đã bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này sau khi bị biến tướng với lừa khách hàng mua các loại đá giả. Đến nay, hình thức này lại xuất hiện ở Việt Nam, đã gây không ít ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của nghề đá quý tại địa phương. Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm đã giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của khách hàng về nghề và sản phẩm đá quý.

Theo ông Hoan - chủ tiệm đá quý Hoan Nhụy ở tổ 7, thị trấn Yên Thế, một người có nhiều năm gắn bó với nghề đá quý tại Lục Yên, bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực của hình thức kinh doanh "đổ thạch" trên mạng xã hội. Ông nhấn mạnh, hình thức này không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín và thương hiệu đá quý của Lục Yên mà còn đi ngược lại với "văn hóa nghề đá” mà những người làm nghề chân chính đã gây dựng qua nhiều thế hệ.

Ông Hoan chia sẻ: "Từ lâu, nghề đá quý ở Lục Yên đã duy trì nguyên tắc kinh doanh rõ ràng và minh bạch: không xảy ra tình trạng trộm cắp, báo giá đá đúng giá trị, đồng hành cùng khách hàng và luôn bảo đảm, bảo hành viên đá bán ra. Những giá trị cốt lõi này là nền tảng giúp nghề đá Lục Yên phát triển bền vững và được khách hàng trong nước lẫn quốc tế tin tưởng”. Phiên chợ đá quý Lục Yên mở cửa hàng ngày chính là một minh chứng khi những viên đá quý được bày bán như mớ rau, con cá ngoài chợ và đã hơn 30 năm qua ở khu chợ tiền tỷ này tuyệt nhiên chưa bao giờ xảy ra chuyện mất mát hay trộm cắp.

Ông Hoan cũng cho rằng, việc kinh doanh đá quý trên mạng xã hội là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, giúp kết nối nhanh chóng giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, hoạt động này cần dựa trên nguyên tắc "bán hàng thật, giá thật và đồng hành cùng khách hàng”. Hình thức "đổ thạch” trên mạng xã hội là một sự biến tướng nguy hiểm đã từng có thời điểm "nở rộ” xong cũng may, đã được cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc xử lý kịp thời.

Phiên chợ đá quý Lục Yên- nơi người kinh doanh đá quý chân chính luôn bán hàng thật, giá thật và đồng hành cùng khách hàng

Còn anh Trung, một người gắn bó với nghề đá lâu năm và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đá quý Lục Yên thông qua các kênh mạng xã hội Youtube và Tiktok cho biết, với sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc nghề, các kênh mạng xã hội của anh Trung đã trở thành địa chỉ để khách hàng trực tiếp tìm hiểu về sản phẩm đá quý tại huyện Lục Yên. Anh cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm từ khách hàng khắp nơi, từ các tỉnh miền Nam và quốc tế. Nhiều người đã trực tiếp liên hệ với anh Trung để được hướng dẫn tham quan chợ đá quý, tư vấn mua sản phẩm và trải nghiệm quy trình chế tác đá quý trên địa bàn.

Anh Trung chia sẻ: "Việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm quê hương, bảo vệ uy tín, thương hiệu và giữ gìn đạo đức nghề luôn được ưu tiên hàng đầu đã giúp tôi xây dựng được sự tin tưởng, đồng hành của khách hàng. Theo tôi, nếu có, việc "đổ thạch” chỉ dành cho những thợ đá lành nghề, được trực tiếp xem xét từng viên đá một cách kỹ lưỡng cũng không dám chắc "mở bát” thành công. Vì thế, "đổ thạch” không thể qua quýt trên màn hình điện thoại được”.

Chung tay nâng cao trách nhiệm bảo vệ thương hiệu đá quý

Theo ông Tăng Kết Dư - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên: Hiện nay, thị trấn vẫn duy trì và phát triển làng nghề làm tranh đá quý với 30 hộ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động địa phương, mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Chợ đá quý duy trì họp vào các buổi sáng hàng ngày, đông đúc nhất vào những ngày cuối tuần với 300 sạp bán đá các loại như: thạch anh, đá mắt tôm, Spinel, Tourmaline, Granat, Amazonite. Chợ là nơi lui tới thường xuyên của 500 - 600 du khách, người dân mỗi ngày. Cùng với đó, thị trấn cũng có hàng trăm cửa hàng chế tác, buôn bán các sản phẩm đá quý, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để tiếp tục duy trì, bảo vệ thương hiệu đá quý Lục Yên, ông Dư cho biết: Hàng năm, thị trấn Yên Thế thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình gắn liền với quảng bá, giới thiệu, bảo tồn và phát triển ngành nghề đá quý như: phối hợp với Hiệp hội Đá quý Lục Yên xây dựng làng nghề tranh đá quý và phát triển các sản phẩm từ đá quý, tổ chức các cuộc thi trình diễn quy trình làm tranh đá quý. Cùng đó, vận dụng các chế độ, chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ, duy trì phát triển làng nghề làm tranh đá quý thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề chế tác; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế tác các sản phẩm từ đá quý.

Những viên đá quý thành phẩm sau khi được chế tác

Ông Trần Mạnh Tú - Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên khẳng định: Việc bảo vệ và phát triển nghề đá quý không chỉ dựa vào sự quản lý của cơ quan chức năng mà còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm cá nhân của mỗi người làm nghề. Để nâng cao trách nhiệm cá nhân, Hiệp hội đều tuyên truyền, vận động mỗi hội viên phải tuyệt đối tuân thủ quy định, chỉ bán đá tự nhiên có xuất xứ từ Lục Yên, nói "không" với đá nhân tạo hoặc hàng nhập khẩu kém chất lượng.

Hiệp hội sẽ tổ chức các lớp đào tạo về kỹ thuật chế tác đá quý, kiểm định chất lượng và giáo dục đạo đức nghề nghiệp; nỗ lực tạo dựng lòng tin của khách hàng; khuyến khích hội viên không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm. Việc kinh doanh phải luôn đảm bảo nguyên tắc: bán hàng thật, giá trị thật, đồng hành cùng khách hàng.

Từ thực tiễn và chia sẻ của chính quyền địa phương, của Hiệp hội Đá quý Lục Yên cho thấy, các cửa hàng, hội viên trong Hiệp hội và những người kinh doanh đá quý cần tuân thủ quy định chỉ bán đá tự nhiên xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, nói không với hàng giả, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc; cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng.

Đặc biệt, việc có giấy tờ về thẩm định chất lượng, giá cả đối với sản phẩm chất lượng cao hoặc bảng niêm yết giá đối với sản phẩm thông thường sẽ giúp người mua thuận lợi hơn. Khách hàng cũng cần lưu tâm lựa chọn những cửa hàng thuộc Hiệp hội hoặc cửa hàng có uy tín được chứng nhận, có cam kết bán sản phẩm, đảm bảo cung cấp thông tin về nguồn gốc, loại đá và giá trị của sản phẩm. Các chiêu trò như "đổ thạch" trên mạng xã hội thường tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, khách hàng cần tỉnh táo, tránh bị lôi kéo. Cùng đó, khách hàng nên trang bị kiến thức cơ bản về đá quý và tham quan trực tiếp chợ đá quý Lục Yên để hiểu thêm về sản phẩm và quy trình chế tác.

Cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại chợ đá quý và các cửa hàng để đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm từ đá quý; tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh trực tuyến để phát hiện và xử lý kịp thời các chiêu trò lừa đảo, như hình thức "đổ thạch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề; tăng cường phối hợp để phát hiện truy quét và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng giả, hàng nhập khẩu kém chất lượng hoặc có hành vi lừa đảo khách hàng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiếp tục nâng cấp chợ đá quý và làng nghề để biến nơi đây thành điểm đến văn hóa và du lịch hấp dẫn tại địa phương.

Nghề kinh doanh, chế tác đá quý là một di sản văn hóa và nguồn lực kinh tế quý báu của đất Ngọc Lục Yên, là quà tặng trời ban mà hiếm nơi có được. Chính vì thế, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả chính quyền, cộng đồng, đặc biệt là những người gắn bó với nghề kinh doanh, chế tác đá quý trong việc giữ gìn, bảo vệ thương hiệu truyền thống này.

Văn Dương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/343928/nang-cao-trach-nhiem-cong-dong-de-giu-nghe-thuong-hieu-da-quy-luc-yen.aspx
Zalo