Nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, môi trường là một tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng như duy trì kết quả đối với tiêu chí này còn gặp không ít khó khăn, cần sự 'vào cuộc' quyết liệt của chính quyền các địa phương.

Người dân thôn Đông Am Vàng, xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. (Ảnh DƯƠNG THỦY)
Năm 2019, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang), được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi được công nhận, nhằm nâng cao tiêu chí, Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với NTM như “5 không 3 sạch”, “Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường", “Ngày thứ 7 xanh, chủ nhật xanh”…
Đến nay, tất cả 1.987 hộ dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh; 1.731/1.987 hộ được sử dụng nước sạch (nước máy lọc thông minh). UBND xã Hợp Đức phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức các đợt tập huấn về bảo vệ môi trường (BVMT), hướng dẫn chi hội viên nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và lưu giữ bao bì đúng cách sau khi dùng.
UBND xã đã bố trí 100 khung sắt làm điểm thu gom bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng, sau đó tập kết về khu xử lý tập trung để chuyển giao cho đơn vị đi xử lý theo hợp đồng đã ký. Xã thành lập 10 tổ vệ sinh môi trường của 10 thôn trong toàn xã với 53 thành viên tham gia, có quy chế hoạt động và quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng, định kỳ tổ chức thu gom rác thải và đưa về nơi xử lý một tuần/lần, bảo đảm các tuyến đường sạch sẽ, không có điểm nóng tồn dư rác thải.
Khu xử lý rác thải tập trung của xã được bố trí tại khu Đồi Hố Lơ, thôn Tiến Sơn được quy hoạch và xây dựng từ năm 2019, rộng 1.500 m2, có sân phơi và một lò đốt rác thủ công. Việc quản lý và sử dụng khu xử lý rác trung tâm khá tốt, đến nay chưa phát sinh vấn đề về môi trường.
Cũng như xã Hợp Đức, xã Khám Lạng (Lục Nam) về đích NTM năm 2018 và tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường. Trước tình trạng dọc Quốc lộ 37 và kênh Yên Lại thường có rác tồn lưu, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề và thành lập ban chỉ đạo tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Xã đầu tư kinh phí mua lưới chắn rác đặt trên tuyến kênh Yên Lại ở khu vực điểm đầu của xã, hằng tuần bố trí lực lượng vớt rác vận chuyển đi xử lý.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Giang, trong xây dựng NTM, nhìn chung ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vấn đề môi trường khu vực nông thôn tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương trên địa bàn cả nước nói chung, vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn đạt thấp; ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch; các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, xả thải ra môi trường; chưa kể một số doanh nghiệp vì lợi nhuận, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, có hành vi che giấu sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phần lớn nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải, hậu quả về ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về BVMT chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, BVMT…
Theo đó, các địa phương cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn, theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí; các bộ, ngành, địa phương cần ban hành cơ chế giá dịch vụ BVMT và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải; phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về BVMT và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững.
Đối với các địa phương chưa có xã đạt chuẩn NTM phải chỉ đạo các xã điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm trên diện rộng; Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn; Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao.