Nâng cao tiềm năng phát triển kinh tế của phụ nữ từ đề án khởi nghiệp

Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập do nữ làm chủ, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững từ Đề án khởi nghiệp. Đáng ghi nhận, đề án này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế cho hội viên phụ nữ.

Thống nhất và hành động vì quyền lợi kinh tế phụ nữ

Theo đồng chí Trần Thị Kim Phượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt Đề án 939), Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt và ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND, ngày 4/10/2018 thực hiện Đề án 939 trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 939, kế hoạch tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp đưa vào triển khai hoạt động. Khi đó, Hội LHPN tỉnh đã triển khai sâu rộng đến các cấp hội và đến từng địa phương, đơn vị trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Từ đó, mạnh dạn hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ, thông qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của địa phương.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh hội thường xuyên tổ chức họp, đối thoại, tọa đàm để lắng nghe ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng để tạo điều kiện hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Ảnh: SỚM MAI

Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh hội thường xuyên tổ chức họp, đối thoại, tọa đàm để lắng nghe ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng để tạo điều kiện hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Ảnh: SỚM MAI

Tỉnh hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp hằng năm; hỗ trợ nâng cao chất lượng của các tổ phụ nữ tiểu thương, các câu lạc bộ doanh nghiệp nữ; kết nối các doanh nghiệp nữ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các kênh thông tin đại chúng; tham dự trưng bày sản phẩm; kêu gọi đầu tư; tổ chức tọa đàm… Đặc biệt, tổ chức 37 cuộc đối thoại với 1.905 đại biểu; hỗ trợ 145 chị khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp từ những mô hình cụ thể với số tiền 442 triệu đồng. Nổi bật, ngoài ngân sách của tỉnh, Hội LHPN tỉnh còn tranh thủ kết nối nguồn lực từ Đại sứ quán Canada hỗ trợ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Đáng ghi nhận, để thực hiện Đề án 939 đạt hiệu quả, Tỉnh hội đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, chú trọng kiểm tra chuyên đề. Tham mưu thường xuyên cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong triển khai thực hiện đề án này tại địa phương; phối hợp lựa chọn nội dung giám sát một số chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ. Hội LHPN tỉnh đã xác định Đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Đây cũng là cơ hội giúp hội viên phụ nữ tỉnh Sóc Trăng khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền và các ban ngành, đoàn thể. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ngoài việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em thì đây thực sự là cơ hội mở để phụ nữ khởi nghiệp trong giai đoạn mới.

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp và cho giới thiệu, trưng bày hàng trăm sản phẩm. Ảnh: SỚM MAI

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp và cho giới thiệu, trưng bày hàng trăm sản phẩm. Ảnh: SỚM MAI

Hiệu quả và nâng cao

Nhìn lại 8 năm triển khai thực hiện Đề án 939, trên 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh (hoàn thành 95% trở lên, vượt 105,5% so với mục tiêu đề ra); 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp (hoàn thành 76%); hỗ trợ 698 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp (vượt 199,4%) và một số tiêu chí khác đều đạt, vượt chỉ tiêu. Cụ thể, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 186 tổ hợp tác, hợp tác xã với 3.016 thành viên và ra mắt 92 tổ với 1.008 thành viên ngành nghề, dịch vụ. Hỗ trợ phụ nữ tham gia 4 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” của Tỉnh hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với 83 ý tưởng độc đáo, sáng tạo đáp ứng nhu cầu thời đại khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số.

Nhằm phát huy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội các cấp khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực, Tỉnh hội đã phối hợp tổ chức được 119lớp tập huấn với 4.031thành viên tham dự. Từ những kiến thức kỹ năng được tập huấn, các cấp hội tích cực hỗ trợ 496chị khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp bằng các hình thức hoạt động như: giới thiệu vay vốn; hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh; đăng ký nhãn hàng; đăng ký sản phẩm khởi nghiệp. Kết quả từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có65/242 sản phẩm OCOP do hội phụ nữ các cấp hỗ trợ và các sản phẩm được công nhận đạt chất lượng OCOP là: mắm tép không vỏ, trái thanh nhãn, dưa chua, mứt mận Ngọc Hạnh, mắm cá đồng, ba ba tươi sống, chả cá rô phi, chả lụa, snack khoai lang vị tự nhiên, snack khoai lang vị bơ sữa, tôm khô, củ kiệu, chuối sấy Xuân Diệu, mắm tôm gạch, mắm sò huyết cồ, mật ong, trà mãng cầu, mắm lóc, mắm sặc, mắm cá rô không xương, mắm chưng hột vịt.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp độc đáo, ấn tượng. Ảnh: SỚM MAI

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp độc đáo, ấn tượng. Ảnh: SỚM MAI

Từ thực tế cho thấy, Đề án 939 không chỉ giúp chị em phụ nữ tiếp cận cơ hội kinh doanh mà còn nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Quan trọng, một số mô hình khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Khi đó, hoạt động luôn quan tâm đến các thành phần phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc hỗ trợ phù hợp nhu cầu của từng đối tượng; cách thức tổ chức linh hoạt, bắt kịp với yêu cầu, xu hướng phát triển xã hội. Do vậy,phụ nữ Sóc Trăng ngày càng tự tin hơn trong việc ra quyết định, tham gia vào các hoạt động xã hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Từ đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ, thúc đẩy sự bình đẳng và công bằng trong xã hội.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/nang-cao-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-cua-phu-nu-tu-de-an-khoi-nghiep-5d25f0c/
Zalo