Nâng cao 'sức đề kháng' cho công nhân lao động trước thông tin xấu độc và 'tín dụng đen'
Đồng Nai là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều tuyến giao thông quan trọng. Toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp (KCN), thu hút hơn 1,5 ngàn dự án đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động, trong đó trên 60% là công nhân lao động ngoại tỉnh. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác đảm bảo ANTT trong doanh nghiệp cũng như trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thời gian qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và các ban, ngành, đoàn thể chú trọng quan tâm đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ); nỗ lực xây dựng nhiều mô hình ANTT hiệu quả, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về việc giữ gìn ANTT; nâng cao “sức đề kháng” cho công nhân lao động trước những cám dỗ của tệ nạn và tội phạm, hạn chế thấp nhất các loại tội phạm hoạt động trong KCN và các địa bàn có đông công nhân lao động sinh sống.
Trong đó, lực lượng Công an các đơn vị, địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn các cấp tập trung tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hình sự, nhất là tình hình tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá, số đề; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy...; phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm. Đồng thời đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại với cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xây dựng chương trình, mô hình phối hợp giữ gìn ANTT tại cơ quan, doanh nghiệp cũng như tại các khu nhà trọ công nhân.
Nhờ vậy, thời gian qua, nhiều mô hình hay trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong các doanh nghiệp và khu nhà trọ công nhân tại tỉnh Đồng Nai đã được triển khai rất hiệu quả như: mô hình đội tự vệ trong doanh nghiệp; mô hình xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt trong doanh nghiệp; mô hình khu cư xá, khu nhà trọ văn hóa, an toàn, văn minh, không có tội phạm, tệ nạn xã hội; mô hình hòm thư, đường dây nóng tố giác tội phạm; mô hình tuyên truyền miệng trực tiếp về tình hình chính trị kinh tế - xã hội và tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động…
Thông qua các triển khai các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và hoạt động tuyên truyền, 5 năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 248 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt, Công đoàn các cấp đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về phòng chống “tín dụng đen” thu hút hơn 25.000 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tham gia.
Để kịp thời ngặn chặn tội phạm “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động, tổ chức Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa “tín dụng đen”, ngăn chặn các hoạt động cho vay lãi suất cao, nhất là ở những nơi có đông công nhân, viên chức, lao động sinh sống và làm việc. Trong đó, tập trung tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen” cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để công nhân, viên chức, người lao động hiểu, cảnh giác và tố giác tội phạm, qua đó nâng cao “sức đề kháng” cho công nhân lao động không sa bẫy “tín dụng đen”, không để “tín dụng đen” tiếp cận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống công nhân, viên chức, lao động cũng như gây phức tạp tới ANTT.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn và lực lượng Công an các cấp luôn sâu sát nắm bắt tình hình đội ngũ công nhân lao động, để kịp thời phát hiện những vụ việc mâu thuẫn trong doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân và các vấn đề phức tạp để phối hợp các ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền cho công nhân lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để các đối tượng cơ hội, các thế lực thù địch, phản động kích động bạo loạn, khủng bố, phá hoại, gây rối ANTT.
Thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trong quan trọng trong tình hình hiện nay. Hiện nay, với việc xuất hiên và phát triển của các trang mạng xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tuyên truyền của tổ chức Công đoàn, trong đó có cả những hiệu ứng tích cực cũng như những thông tin tiêu cực, trái chiều.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, một số tổ chức đã lợi dụng việc phát triển của mạng xã hội để trực tiếp tham gia vào các hội nhóm có đông công nhân lao động để kích động lôi kéo, gây mất ANTT, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Xác định việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là một trọng những nhiệm vụ hết sức quan trọng, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng trang Facebook Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai và Fanpage “Điểm hẹn công nhân” để tuyên truyền và tiếp nhận ý kiến phản ánh cũng như giải đáp thắc mắc của đoàn viên công đoàn và người lao động.
Quá trình hoạt động, đã thu hút hàng ngàn đoàn viên công đoàn và người lao động tham gia trao đổi, phản ảnh thông tin. Qua đó, giúp tổ chức Công đoàn và lực lượng Công an nhanh chóng nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc phản động của các thế lực thù địch trên mạng xã hội và nhanh chóng giải quyết không để phát sinh điểm nóng về ANTT, đồng thời giúp người lao động tỉnh táo, “miễn nhiễm” trước thông tin xấu độc của thế lực thù địch.
Đơn cử như, năm 2018, lợi dụng việc Quốc hội đưa ra dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế và thông qua Luật An ninh mạng, một số đối tượng thù địch đã kích động nhân dân, công nhân lao động ở Đồng Nai xuống đường biểu tình. Song, với sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của lực lượng Công an, tổ chức Công đoàn cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chi, đảng bộ trong các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đã giúp nhân dân cũng như công nhân lao động tại nhiều doanh nghiệp hiểu rõ bản chất, âm mưu thủ đoạn của các đối tượng thù địch, phản động; không nghe theo sự kích động xuống đường biểu tình, phá hoại nhà máy, gây rối ANTT.
Thậm chí, người lao động tại một số doanh nghiệp còn tự đứng ra cùng lực lượng chức năng bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình, điển hình như công nhân lao động tại Công ty Taekwang Vina, Changshin Việt Nam, Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan, Hwasung Vina...