Nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại

Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp và việc quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Bệnh dại thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Do đó, những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương, tiêm vắc-xin phòng bệnh, tuyệt đối không điều trị bằng các loại lá thuốc.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ghi nhận 1 trường hợp tử vong do dại. Đó là bệnh nhân sinh năm 1996, tại thôn Chu Lìn 2, Trung Chải (thị xã Sa Pa). Bệnh nhân bị chó cắn cách thời điểm nhập viện 2 tháng nhưng không thực hiện theo dõi dại và tiêm phòng. Ngày 7/6, bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi, xuất tiết đờm dãi, khó thở và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám và điều trị. Sau đó, bệnh nhân xuất tiết đờm dãi nhiều hơn, gào hét, hành vi hung hăng, được bệnh viện cho về và tử vong tại nhà ngày 8/6. Ngoài ra, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 người phơi nhiễm bệnh dại.

Người dân cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm; phải xích, nhốt, mang rọ mõm cho chó khi ra đường; tuyệt đối không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Những đối tượng nguy cơ nhiễm dại cao là nhân viên thú y, người làm nghề giết mổ chó... cần tiêm phòng chủ động trước phơi nhiễm. Tất cả những người phơi nhiễm dại như bị chó, mèo nghi dại cắn, cào; người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân dại... cần phải được điều trị dự phòng.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, huyết thanh kháng dại phục vụ người dân đến khám, điều trị dự phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế thông qua tập huấn các kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc-xin dại; kỹ thuật thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu của người nghi mắc bệnh dại; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại; phối hợp liên ngành thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật và kỹ năng truyền thông.

Các trạm y tế xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp bị động vật nghi dại hoặc bị dại cắn, cào; tư vấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh vết thương và tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại kịp thời. Các trường hợp không đi tiêm phòng, cán bộ trạm y tế sẽ báo cáo chính quyền địa phương để có các biện pháp vận động, thuyết phục người dân thực hiện tiêm phòng, tránh để tử vong do dại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức và hướng dẫn cách phòng, chống bệnh dại cho các hộ gia đình ở vùng trọng điểm, nguy cơ cao, đồng thời thực hiện truyền thông lồng ghép tại các trường học trên địa bàn.

Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%, bởi hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, thực hiện sớm biện pháp dự phòng tốt nhất khi bị chó, mèo cắn đó là tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-nhan-thuc-phong-chong-benh-dai-post391722.html
Zalo