Nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm
Bộ GD&ĐT sẽ nhân rộng chương trình nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm trong thời gian tới.

Giáo viên chủ nhiệm đã thay đổi nhận thức, đồng hành cùng học sinh trong các vấn đề tâm lý.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Room to Read vừa tổ chức hội thảo tổng kết Chương trình thí điểm nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm trường THCS, THPT tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An và Cà Mau.
Chương trình thí điểm nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm được bắt đầu từ tháng 12/2023, nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong việc hỗ trợ tâm lý học sinh tại các trường THCS và THPT.
Bà Đỗ Thị Vân Anh - Trưởng nhóm khảo sát, đánh giá chương trình thí điểm cho biết: Chương trình tập trung giúp GVCN nhận diện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề tâm lý học sinh gặp phải, tạo dựng môi trường học đường an toàn, tích cực, và phối hợp hiệu quả với cha mẹ học sinh, nhà trường và chuyên gia tâm lý.
Được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh đại diện cho các vùng miền, chương trình không chỉ nâng cao năng lực cá nhân của giáo viên mà còn góp phần hình thành mô hình tư vấn học đường phù hợp với điều kiện thực tế, hướng tới khả năng mở rộng và áp dụng trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.
Qua 3 giai đoạn triển khai, chương trình nhận được sự đánh giá cao từ đội ngũ GVCN về tính thiết thực, nội dung chuyên sâu và phương pháp linh hoạt. Đặc biệt, mô hình tập huấn phân tầng từ giáo viên cốt cán đến GVCN được xem là phù hợp trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.
Kết quả cho thấy, sau tập huấn, 100% GVCN nắm được kiến thức cơ bản về tư vấn tâm lý, gần 80% có thể áp dụng kỹ năng vào thực tế. Tỷ lệ học sinh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với giáo viên đạt 92,5%, vượt xa mục tiêu đề ra. GVCN cũng thay đổi nhận thức rõ rệt, chuyển từ bị động sang chủ động đồng hành cùng học sinh trong các vấn đề tâm lý.
Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Công tác phối phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội có vai trò quan trọng trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh, hỗ trợ các em phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực, đối phó với những thách thức trong học tập và cuộc sống.

Quang cảnh hội thảo tổng kết.
Trong đó, GVCN vừa là chủ thể phối hợp vừa là đối tượng tham vấn nhà trường trong việc xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường và xã hội, tư vấn cho gia đình về sử dụng mối quan hệ với xã hội để tư vấn cho học sinh.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, đội ngũ giáo viên tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, kiến nghị các vấn đề liên quan như đẩy mạnh tập huấn tại các địa phương. Hội thảo cũng đã thảo luận và đưa ra mô hình đề xuất triển khai nhân rộng chương trình nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm tại các trường trung học trên cả nước trong thời gian tới.
Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Phó Trưởng Ban điều phối chương trình nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT luôn coi trọng việc hoàn thiện chính sách và tăng cường triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục với mục tiêu xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh và bình đẳng, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Theo ông Đỗ Đức Quế, để tư vấn tâm lý thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội, tâm lý học đường, cùng với sự vào cuộc chủ động của các cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GDĐT xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại địa phương, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn.