'Thủ lĩnh của sự thay đổi' góp sức đẩy lùi những 'lời ru buồn'

Tại vùng đất còn nhiều khó khăn thuộc xã AL Bá (tỉnh Gia Lai), những hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng. Việc ra đời Câu lạc bộ (CLB) 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' đã góp phần giúp trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây nói lên tiếng nói của mình, học cách bảo vệ bản thân và biết nuôi dưỡng ước mơ.

 Thầy Đoàn Đức Dũng (thứ 2 từ trái sang), giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu, trao đổi với các em trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”

Thầy Đoàn Đức Dũng (thứ 2 từ trái sang), giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu, trao đổi với các em trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”

Kịp thời phát hiện những trường hợp có ý định tảo hôn

Theo thầy Măng Thắng Lợi, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu (xã AL Bá, tỉnh Gia Lai), nhận thức "trẻ em gái có kinh nguyệt là đã trưởng thành" vẫn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình nơi đây.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều hạn chế nên việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn là một thách thức lớn ở đây.

Tháng 11/2023, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" được thành lập tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu với 20 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã đem đến nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh về nhiều vấn đề như: bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xâm hại tình dục…

Nhiều chủ đề từng được xem là "khó nói", "tế nhị" ở tuổi dậy thì đã được các thầy cô giáo lồng ghép vào nội dung sinh hoạt hàng tháng tại trường, thông qua các hình thức như sinh hoạt nhóm, tiểu phẩm, trò chơi tương tác, viết nhật ký chia sẻ…

Thầy Đoàn Đức Dũng, giáo viên Tổng phụ trách Đội, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu, chia sẻ: "Càng né tránh càng khiến các em tò mò và có thể hiểu sai. Vì vậy, chúng tôi chọn cách tiếp cận mở - để các em được nói, được viết, được đặt câu hỏi.

Nhờ đó, nhiều vấn đề trước đây rất khó phát hiện thì giờ đây, giáo viên có thể nắm bắt và hỗ trợ kịp thời. Ví dụ vấn đề tảo hôn, nhà trường có thể phát hiện sớm những trường hợp có ý định lấy chồng, lấy vợ sớm, từ đó khuyên ngăn, vận động phụ huynh để các em không tảo hôn".

Khi học sinh trở thành "người truyền cảm hứng"

Điểm đặc biệt của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là các hoạt động được dẫn dắt bởi chính các em học sinh. Các em không chỉ tham gia vận hành CLB mà còn hỗ trợ thầy cô trong các khâu vận động bạn bè đến trường, "phiên dịch" giúp các thầy cô giáo.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu

"Các em học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc Ba Na và Jrai, sử dụng tiếng Việt còn hạn chế. Vậy nên, trong quá trình tổ chức hoạt động, chúng tôi lựa chọn những học sinh năng động để giới thiệu tham gia CLB.

Ở đây có 6 thôn, làng thì sẽ lựa chọn 6 em am hiểu văn hóa dân tộc và có khả năng kết nối với bạn bè đồng trang lứa. Các em đóng vai trò như cầu nối, là "phiên dịch viên" giữa thầy cô và học sinh. Trong một số trường hợp, các em thủ lĩnh CLB còn cùng thầy cô về tận làng để vận động phụ huynh cho con đi học hoặc thuyết phục bạn bè không bỏ học, không kết hôn sớm".

Em Kpă Đoan, học sinh lớp 8A, một thành viên tích cực của CLB, cho biết: "Tham gia CLB, em được học nhiều điều bổ ích, biết được rằng tảo hôn là không đúng pháp luật. Em còn học cách bảo vệ bản thân, giúp bạn bè mình nhận thức đúng về các vấn đề liên quan đến lứa tuổi".

Thầy Măng Thắng Lợi, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đăng Lưu, cho biết, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" không chỉ là sân chơi cho học sinh mà còn là "cánh tay nối dài" của nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Những "thủ lĩnh của sự thay đổi" sẽ tiếp tục được bồi dưỡng kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng truyền thông để vừa hỗ trợ thầy cô, vừa là người tiếp thêm sức mạnh cho bạn bè.

"Chúng tôi rất mong có sự chung tay của chính quyền, của các ban, ngành, phối hợp cùng với nhà trường tổ chức thường xuyên các chương trình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tôi nghĩ cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với hành vi bạo lực gia đình ở vùng đồng bào DTTS. Đây vốn là nguyên nhân gián tiếp khiến nhiều em bỏ học giữa chừng, kết hôn sớm", thầy Lợi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thu-linh-cua-su-thay-doi-gop-suc-day-lui-nhung-loi-ru-buon-20250723184140771.htm
Zalo