Nâng cao năng lực tư vấn sức khỏe tâm thần trong nhà trường
Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUI) là bộ tài liệu được giới thiệu tại hội thảo ngày 26/12, tại Hà Nội.
Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức.
Hội thảo nhằm giới thiệu bộ công cụ EQUIP đến các nhóm tư vấn viên làm việc với người trưởng thành; trẻ vị thành niên và học sinh trong. Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá thực trạng năng lực tư vấn của đội ngũ tư vấn viên trong trường học tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai và thích ứng bộ công cụ EQUIP trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trẻ vị thành niên đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, dẫn đến nhu cầu chăm sóc và hỗ trợ trong lĩnh vực này ngày càng lớn.
Do đó, công tác tư vấn sức khỏe tâm thần học đường là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn. Trong đó, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia tư vấn tại mỗi trường học được xem là ưu tiên hàng đầu.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, bộ tài liệu EQUIP là công cụ quan trọng để đánh giá năng lực của các tư vấn viên, từ đó xây dựng lộ trình bồi dưỡng phù hợp. Đây là bước tiến cần thiết để đội ngũ tư vấn viên đáp ứng hiệu quả nhu cầu hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong trường học.
“Những giải pháp từ hội thảo không chỉ góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn viên, mà còn mở ra cơ hội xây dựng môi trường học đường an toàn, hỗ trợ tốt nhất cho sức khỏe tâm thần của học sinh” - GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng nhưng bà Lê Anh Lan, chuyên gia Giáo dục thuộc UNICEF Việt Nam nhận thấy, phần lớn chưa được đáp ứng. WHO và UNICEF đã phát triển chương trình EQUIP nhằm đảm bảo chất lượng trong các can thiệp tâm lý và tâm thần. Chương trình được thiết kế đặc biệt để cung cấp miễn phí qua nền tảng kỹ thuật số, hỗ trợ giảng viên, giám sát viên và các nhà quản lý chương trình trên toàn cầu.
EQUIP bao gồm các công cụ đánh giá năng lực dựa trên nghiên cứu lý thuyết và thử nghiệm thực tế tại nhiều quốc gia, hướng đến việc giảm thiểu tác hại và cải thiện chất lượng chăm sóc.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, chương trình đã được triển khai tại 36 quốc gia với hơn 10.000 lượt đánh giá năng lực dành cho gần 4.000 học viên.
Ngoài đào tạo kỹ năng hỗ trợ cơ bản, EQUIP còn tập trung đánh giá khả năng thực tiễn của tư vấn viên thông qua các hoạt động nhập vai và mô phỏng. Đây được xem là bước tiến lớn giúp đáp ứng nhu cầu cấp bách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu không chỉ được cập nhật thông tin về bộ công cụ EQUIP mà còn được chia sẻ về thực trạng năng lực của đội ngũ giảng viên, giám sát viên và quản lý chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường; đồng thời, thảo luận về kế hoạch triển khai bộ công cụ EQUIP tại Việt Nam vào năm 2025.
Hội thảo nhằm giới thiệu công cụ EQUIP đến các nhân viên tuyến đầu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tại Việt Nam. Hội thảo cũng nhằm thảo luận, đề xuất các cách thức để ứng dụng công cụ này tại Việt Nam.