Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các ngành, các địa phương ngày càng chủ động hơn trong công tác PCTT, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Các lực lượng hỗ trợ người dân bản Chiên Pục, thị trấn Mường Lát di dời nhà ở ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Các lực lượng hỗ trợ người dân bản Chiên Pục, thị trấn Mường Lát di dời nhà ở ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Trong tháng 9 năm 2024, trên địa bàn tỉnh phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão (số 3 và số 4) cùng với nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây ngập lụt các vùng trũng thấp, khu vực ven sông, bãi sông và sạt lở nhiều vị trí. Với tinh thần tích cực, chủ động ứng phó, không chủ quan, lơ là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT,TKCN&PTDS) đã ban hành 36 công điện, 10 văn bản để chỉ đạo điều hành công tác PCTT với tinh thần huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với bão và mưa lũ sau bão theo phương châm “4 tại chỗ”; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng đã tích cực tham gia chằng chống, tu sửa, dọn dẹp nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng; thu hoạch lúa mùa, dọn dẹp các vị trí bị sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông, xử lý các sự cố hư hỏng đê điều, canh gác tại các ngầm tràn, xử lý môi trường sau thiên tai...

UBND các huyện đã tổ chức sơ tán hơn 6.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Theo ông Khương Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh, các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ. Đặc biệt, các phương án quan trọng, như bộ máy chỉ huy, phương án đảm bảo an toàn trọng điểm đê điều, hồ đập, phương án chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần, phương án đảm bảo y tế và xử lý môi trường sau thiên tai... Hiện Ban Chỉ huy tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Do đặc điểm vị trí địa lý, tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của hai hình thái thời tiết Bắc bộ và Trung bộ. Hầu như năm nào ở các địa phương trong tỉnh cũng phải chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, như: bão, lũ, ngập lụt, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn... Trước thực trạng trên, để từng bước nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh và các đơn vị liên quan đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai đầy đủ mọi mặt công tác PCTT đến các cấp, ngành, địa phương. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, tập trung các hoạt động đào tạo, tập huấn, diễn tập cho người dân nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, truyền thông PCTT đến mọi đối tượng trong cộng đồng; hướng dẫn và huy động người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn cấp xã, như diễn tập phòng tránh thiên tai, đánh giá rủi ro thiên tai, các sự kiện liên quan. Xây dựng và nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong PCTT. Tổ chức lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm PCTT tại các địa phương trong tỉnh; thiết lập, cập nhật định kỳ thông tin bản đồ rủi ro thiên tai ở từng cộng đồng xã, thôn; phát triển cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro thiên tai, thông tin truyền thông. Người dân tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; mua sắm trang thiết bị (áo phao, thuyền,...) ứng phó thiên tai; sửa chữa, xây dựng nhà mới đảm bảo an toàn trước thiên tai...

Có thể thấy rằng, từ những giải pháp trên đã nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác PCTT, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác PCTT của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Với sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, năng lực phòng, chống thiên tai đã có những bước phát triển rõ rệt.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-nang-luc-phong-chong-thien-tai-230663.htm
Zalo