Nâng cao năng lực phát hiện, điều trị sớm, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa

Nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2838/KH - SYT về việc phòng, chống mù lòa trên địa bàn thành phố năm 2024.

Các bác sĩ bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt, soi đáy mắt, tư vấn cho người có nguy cơ cao mắc Glocom. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Các bác sĩ bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt, soi đáy mắt, tư vấn cho người có nguy cơ cao mắc Glocom. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Kế hoạch xác định thực hiện 4 mục tiêu: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,3 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 14 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,9 người/1.000 dân, trong đó tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 90%; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 60%; tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 80%.

Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Y tế Hà Nội tăng cường quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách liên ngành; truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống mù lòa; hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng chống mù lòa. Đáng chú ý, ngành Y tế tăng cường năng lực, nhân lực của các đơn vị đầu mối tuyến thành phố và mạng lưới y tế cơ sở để phòng, chống mù lòa trên địa bàn; tăng cường năng lực cơ sở khám bệnh chuyên khoa liên quan ở tuyến thành phố để cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu bệnh mù lòa theo phân tuyến kỹ thuật và để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở. Ngành củng cố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện để chẩn đoán, quản lý, điều trị bệnh về mắt giảm thiểu nguy cơ dẫn đến mù lòa; tham gia khám sàng lọc, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về khám, quản lý, điều trị các bệnh về mắt tại Trạm y tế xã và tại cộng đồng theo quy định.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh về mắt có khả năng gây mù như mộng, quặm, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc, đái tháo đường, tật khúc xạ, các bệnh mắt trẻ em…; lập danh sách bệnh nhân để theo dõi, quản lý và có kế hoạch can thiệp; tuyên truyền, vận động, khuyến khích những đối tượng có nguy cơ cao chủ động thăm khám mắt định kỳ. Ngành tư vấn, hỗ trợ người bệnh tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ điều trị hiệu quả; tổ chức các hình thức theo dõi, tư vấn, dự phòng lồng ghép trong quản lý sức khỏe người cao tuổi và quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Kết quả điều tra đánh giá nhanh phòng, chống mù lòa có thể phòng tránh được mới nhất cho thấy hiện nay ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mù. Việc can thiệp phẫu thuật với chi phí không lớn có thể nhanh chóng mang lại ánh sáng cho người mù nhưng do nhiều bệnh nhân nghèo, không có điều kiện tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh nên vẫn phải chịu cảnh mù lòa. Gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội và sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế... Đó là thách thức lớn không chỉ riêng đối với ngành Y tế mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tuyết Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nang-cao-nang-luc-phat-hien-dieu-tri-som-giam-ty-le-cac-benh-gay-mu-loa-20240703104332017.htm
Zalo