Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai

Do đặc điểm vị trí địa lý, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng phải chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn... Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ công tác khí tượng thủy văn được tỉnh quan tâm thường xuyên.

Thành viên Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phân tích hướng đi của bão.

Thành viên Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phân tích hướng đi của bão.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 trạm đo khí tượng, 18 trạm thủy văn, 130 trạm đo mưa tự động, 27 trạm đo mưa chuyên dùng. Ngoài ra, đã lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và 15 trạm đo mưa tự động thu thập các số liệu tại 15 xã của các huyện huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa để truyền về trung tâm xử lý, tính toán các khả năng gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; 3 trạm thông tin báo bão và bắn pháo hiệu phục vụ công tác cảnh báo sớm, tham mưu cho việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai.

Nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin thủy lợi tổng hợp tại lưu vực sông Mã - miền Trung Việt Nam. Đây là dự án ứng dụng công nghệ viễn thám (Remote sensing) hay hệ thống thông tin địa lý (GIS), các thiết bị quan trắc... của Hàn Quốc.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa Nguyễn Văn Minh, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trạm quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất được đầu tư lắp đặt tại các huyện miền núi trong những năm qua. Các hệ thống cảnh báo sử dụng công nghệ tự động thu nhận số liệu mưa theo thời gian thực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan dự báo, cơ quan quản lý Nhà nước cộng đồng dân cư, người dân địa phương để chủ động phòng, chống thiên tai. Nền tảng công nghệ của hệ thống phù hợp với tiêu chuẩn của ngành khí tượng thủy văn”.

Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực cảnh báo sớm các hình thái thời tiết cực đoan, các ngành có liên quan của tỉnh cần quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dự báo. Cùng với đó, đầu tư bổ sung các trạm quan trắc đo mực nước trên sông Lạch Trường, sông Hoàng, sông Nhơm, sông Hoạt và bổ sung thêm các yếu tố quan trắc như đo lưu lượng, đo mặn, đo phù sa tại các trạm; bổ sung các trạm đo mưa ở lưu vực sông Hoạt, sông Nhơm, sông Hoàng, sông Bạng và các huyện miền núi...

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-nang-luc-du-bao-nbsp-canh-bao-thien-tai-234804.htm
Zalo