Nâng cao năng lực điều tra tội phạm buôn bán động vật hoang dã trên mạng

Ngày 11/11, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Ban An ninh môi trường INTERPOL tổ chức khai mạc tập huấn điều tra tội phạm buôn bán động vật hoang dã trên không gian mạng.

Dự khai mạc tập huấn có Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường; bà Tan Li Xian Tricia, đại diện Ban An ninh môi trường INTERPOL.

Tham gia tập huấn có 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp phòng đến từ 4 Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai.

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phát biểu khai mạc khóa tập huấn.

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phát biểu khai mạc khóa tập huấn.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia được xác định vừa là điểm tiêu thụ, vừa là tuyến đường trung chuyển các loài động vật hoang dã. Nhiều loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thú cảnh...

Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán và tiêu thu động vật hoang dã, quý hiếm trái phép không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ mà đã xuất hiện các đường dây, tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài để thực hiện việc vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã xuyên quốc gia với số lượng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán động hoang dã đang có xu hướng “ẩn” bằng cách sử dụng không gian mạng, giao dịch số...

Bà Tan Li Xian Tricia, đại diện Ban An ninh môi trường INTERPOL phát biểu tại lễ khai mạc.

Bà Tan Li Xian Tricia, đại diện Ban An ninh môi trường INTERPOL phát biểu tại lễ khai mạc.

Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, có nhiều hành động quyết liệt trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học. Việt Nam được Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp.

Thực hiện Kế hoạch số 316 ngày 16/6/2024 của Bộ Công an về việc thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng như tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm phi truyền thống đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật cần được đào tạo, tập huấn, tiếp nhận các kiến thức mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Đại tá Lê Thơm, bà Tan Li Xian Tricia cùng các chuyên gia và các đại biểu tham gia khóa tập huấn.

Đại tá Lê Thơm, bà Tan Li Xian Tricia cùng các chuyên gia và các đại biểu tham gia khóa tập huấn.

Đồng chí Phó Cục trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban An ninh môi trường INTERPOL và lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, Bộ Công an Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn thời gian tới, các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa; cần thiết lập cơ chế liên lạc để tăng cường chia sẻ thông tin kịp thời, hiệu quả giữa lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường Việt Nam và Ban An ninh môi trường INTERPOL để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã.

Khóa tập huấn diễn ra từ 11/11- 15/11. Thông qua tập huấn nhằm chia sẻ, nâng cao năng lực điều tra, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về buôn bán động vật hoang dã cho CBCS; truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ điều tra trực tuyến về buôn bán động vật hoang dã; truy vết kỹ thuật số; khai thác các nguồn thông tin mở phục vụ điều tra tội phạm về động vật hoang dã. Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng là cơ hội để các giảng viên, học viên trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về buôn bán động vật hoang dã.

P. Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-nang-luc-dieu-tra-toi-pham-buon-ban-dong-vat-hoang-da-tren-mang-i749970/
Zalo