Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho cán bộ, thành viên HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Sáng 9/9, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn 'Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý, vận hành thương mại điện tử cho cán bộ, thành viên HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi'. Đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham gia lớp tập huấn có khoảng 50 học viên là cán bộ quản lý, thành viên một số HTX, Tổ hợp tác (THT) sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, các HTX, THT ở khu vực miền núi của tỉnh do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị, địa hình xa xôi cách trở nên hiệu quả hoạt động không cao. Song với sự nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo, nhiều HTX ở khu vực miền núi khó khăn đã xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh triển vọng, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.
Để hỗ trợ và thúc đẩy các HTX phát triển bền vững, hội nhập với sự phát triển chung, trong 5 ngày tham gia tập huấn (từ 9/9 đến 13/9), các báo cáo viên, giảng viên Liên minh HTX tỉnh, Trường Đại học Hồng Đức sẽ giới thiệu những nội dung cơ bản trong Luật HTX năm 2023 cùng các thông tư, biểu mẫu liên quan đến HTX, THT; nâng cao nhận thức về công nghệ số, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, marketing, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa và các giải pháp quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, thực hành xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử khác. Đồng thời, trao đổi, phản biện để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện, áp dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Thông qua khóa tập huấn, các HTX, THT ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh sẽ có cái nhìn rõ hơn về thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Từ đó có thể liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho các sản phẩm.