Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho doanh nghiệp dân tộc thiểu số

Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa vừa khép lại Chương trình Đào tạo kỹ năng quản lý tài chính 2024. Chương trình thuộc khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác 3 năm giữa Visa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu trên toàn quốc.

Chương trình năm 2024 đã mở rộng phạm vi hoạt động đến Hòa Bình và Tuyên Quang, hai tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số. Đây là những khu vực được xác định có tiềm năng cao để thúc đẩy hòa nhập tài chính, dựa trên cơ sở điểm số Nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin, (13 điểm đối với Hòa Bình và 16 điểm đối với Tuyên Quang). Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong triển khai các sáng kiến về năng lực tài chính và kinh doanh thực tiễn, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục khẳng định cam kết hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, Visa phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổ chức VinaCapital Foundation, vừa qua đã tổ chức chuyến đi cứu trợ đến với cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại thị xã Sapa (Lào Cai). Qua đó, các khoản hỗ trợ đã được trao trực tiếp đến Quỹ cứu trợ trực thuộc Ủy ban MTTQ thị xã Sapa, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định cuộc sống. Đóng góp này thể hiện sứ mệnh của Visa trong việc mở rộng hỗ trợ, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn chung tay cùng cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo ông Trần Quang Tiến, Trưởng phòng - Phòng các ngân hàng Phát triển quốc tế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 2 năm qua, quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Visa đã tạo ra nhiều tác động tích cực, mở ra cơ hội phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp những kiến thức và công cụ tài chính thiết yếu. Sự hợp tác này sẽ tiếp tục mang lại những thay đổi lớn hơn nữa, không chỉ đối với cộng đồng địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 2 năm triển khai, Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính cho cộng đồng các dân tộc thiểu số đã trang bị kiến thức tài chính và các kỹ năng kinh doanh thiết yếu cho gần 250 học viên thông qua 4 khóa đào tạo trực tiếp, 16 buổi đào tạo trực tuyến sau khóa học và 2 buổi tham quan thực tế để học hỏi từ các mô hình kinh doanh thành công.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính đã mở rộng phạm vi tiếp cận và mang đến cho cộng đồng địa phương những trải nghiệm học tập đa dạng. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo năm 2024, Visa cùng các đối tác đã giới thiệu những kiến thức chuyên sâu về các chủ đề mới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bán hàng thương mại điện tử, kinh doanh, qua đó giúp học viên bắt kịp xu hướng thị trường. Nỗ lực hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện cam kết của Visa trong việc thúc đẩy thanh toán số và khuyến khích cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế số. Hướng đến mục tiêu chung là số hóa nền kinh tế và thiết lập một hệ sinh thái tài chính số toàn diện để tạo ra sự thành công bền vững cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam.

Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2024 đã giới thiệu những cập nhật quan trọng, mở rộng cả về mặt phạm vi và tác động thông qua phương pháp tiếp cận đa dạng, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến:

Cùng với đó, Chương trình mang đến các buổi đào tạo chuyên sâu trực tiếp và trực tuyến về quản lý tài chính, thương mại điện tử và marketing.

Học viên còn có cơ hội tham quan trực tiếp mô hình kinh doanh từ các doanh nghiệp thành công, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác và rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng kiến thức vào thực tế.

Bên cạnh đó người học được hỗ trợ tư vấn trong và sau khóa học để áp dụng hiệu quả các kỹ năng mới vào hoạt động kinh doanh. Các buổi tư vấn tập trung vào các chủ đề nâng cao như ứng dụng AI trong thương mại điện tử và kinh doanh, tối ưu hóa chi phí đối với hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo video bằng AI, phân tích hiệu suất kinh doanh, cũng như tối ưu hóa chi phí và thuế.

Thông qua hợp tác với NextPay, chương trình cũng mang đến cho học viên cơ hội trải nghiệm thực tế ứng dụng thanh toán số và các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của NextPay dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-ky-nang-quan-ly-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-dan-toc-thieu-so-160385.html
Zalo