Nâng cao kỹ năng phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai chiến dịch tuyên truyền 'Kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024'.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 25-10 đến 20-11-2024, tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng nhận diện, phòng, chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính gồm nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh và bảo vệ.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Kiệm cho biết: “Thường trực UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai chiến dịch hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, đoàn thể, sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, nền tảng số đẩy mạnh triển khai chiến dịch trên địa bàn toàn tỉnh”.
Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người dân qua các kênh truyền thông của đơn vị, địa phương như website, phát thanh, các nền tảng mạng xã hội.
Theo Cục An toàn thông tin, nước ta hiện có hơn 70 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh, tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng, bằng thủ đoạn tinh vi đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý người dân để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng như lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư và mục tiêu cuối cùng của các đối tượng hướng đến là tài chính.
9 tháng năm 2024, Cục An toàn thông tin tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính gây ra mất an toàn thông tin được xác định đến từ nhận thức của người dân. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.
Tại Kiên Giang, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng, tập trung một số thủ đoạn phổ biến như giả danh các cơ quan tư pháp, thuế, bảo hiểm xã hội; tuyển cộng tác viên trên các sàn giao dịch điện tử; vay online. Một số đối tượng còn chiếm quyền các tài khoản mạng xã hội để mạo danh người khác vay tiền bạn bè, người thân của họ; kết bạn làm quen hứa hẹn tặng quà có giá trị,...
Không ít trường hợp người dân trở thành nạn nhân của vấn nạn lừa đảo trực tuyến, tổn hại về tinh thần, tài sản. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) cho biết: “Vừa qua trang mạng xã hội Facebook của em tôi bị kẻ xấu chiếm đoạt quyền sử dụng, gửi tin nhắn và thực hiện cuộc gọi video đến tôi để mượn tiền. Trong lúc mất cảnh giác, tôi đã chuyển tiền và bị mất 2 triệu đồng”.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, UBND tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với các thách thức từ không gian mạng. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người dân nhận diện, phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; kêu gọi toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng phải nâng cao cảnh giác, thường xuyên tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tích cực chia sẻ, tuyên truyền đến cộng đồng, người thân, bạn bè để chủ động phòng tránh, tố giác tội phạm.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Kiệm, ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng được xem là biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực từ lừa đảo trực tuyến, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số bền vững. Khi người dân có kiến thức, kỹ năng nhận diện, phòng, chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến xảy ra.
Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nắm vững kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng.