Nâng cao kiến thức và kỹ năng về hội nhập kinh tế, thương mại quốc tế và các FTA cho các cơ quan, doanh nghiệp
Đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo được cung cấp nhiều kiến thức cập nhật, hữu ích, đồng thời liên hệ cách thức giải quyết những tình huống thực tiễn trong thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, tận dụng các FTA...
Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Quỹ đặc biệt Dự án Mê Công - Lan Thương, ngày 03/12, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Mê Công - Lan Thương, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức và khai mạc Khóa đào tạo ngắn hạn trong năm tăng cường kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với chủ đề: “Khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics”.
Tham dự Lễ khai mạc Khóa đào tạo có đại diện các nước thuộc khu vực Mê - Công Lan Thương gồm: đại diện Ban quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Mê Công - Lan Thương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương; Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao; đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam.
Khóa đào tạo được thiết kế và hướng dẫn trong 5 ngày dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các giảng viên cao cấp tới từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTP (KTPC) và Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (iEIT), Đại học Ngoại thương Hà Nội đã xây dựng nội dung chương trình chi tiết cho khóa học, đảm bảo các chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của Dự án.
Nội dung của Khóa đào tạo bao gồm 04 chủ đề chính: (i) Cập nhật về các xu hướng hội nhập kinh tế, thương mại - đầu tư, các FTA và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại quốc tế; (ii) Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, mua hàng và thanh toán quốc tế trong bối cảnh hiện nay; (iii) Hoạt động logistics và quản trị chuỗi cung ứng toàn diện trong bối cảnh hiện nay; và (iv) Tình hình phát triển thương mại điện tử khu vực và thế giới, những xu hướng mới và cam kết thương mại điện tử trong các FTA của Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn cho doanh nghiệp, các giảng viên sẽ cung cấp nhiều kiến thức cập nhật, hữu ích, đồng thời liên hệ các tình huống thực tiễn trong từng lĩnh vực cụ thể như thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics.
Mục đích của Khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường tại các nước thuộc khu vực Mê Công - Lan Thương nhằm giúp các học viên có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng để phục vụ công việc, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia khu vực Mê Công - Lan Thương nói riêng và giữa các quốc gia khu vực này với thế giới nói chung.
Khóa đào tạo thu hút sự quan tâm của đông đảo hơn 40 học viên đến từ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đa dạng các mặt hàng (gạo, mây tre đan, bóng đèn phích nước, logisitics và chuỗi cung ứng, phần mềm thương mại,…), các trường đại học (Học viện Ngân hàng, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội...) và các các đơn vị tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại buổi đào tạo đầu tiên, ThS.Phùng Thị Lan Phương - Chuyên gia cao cấp, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTP đã chia sẻ, cập nhật cho học viên về các xu hướng mới trong xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ và đầu tư toàn cầu nói chung và sự dịch chuyển theo mặt hàng, lĩnh vực cũng như vị thế của Việt Nam trong các xu hướng đó, từ đó giúp các học viên có thêm kiến thức nghiên cứu, hoạch định kế hoach kinh doanh trong tương lai.
Giảng viên cũng đã cung cấp thông tin quan trọng về sự ra đời, hình thành và phát triển các FTA trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, cơ hội và thách thức từ các FTA nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo số liệu của OECD năm 2024, chỉ số DVA (Domestic Value Added) - chỉ số giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam còn tương đối khiêm tốn ở mức 52%, từ đó định hướng giải pháp tối ưu lợi ích của các FTA mà Việt Nam tham gia đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Tại buổi học này, các học viên cũng được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng về các công cụ thương mại quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp tra cứu về mức thuế và các biện pháp phi thuế quan áp dụng đối với từng mặt hàng xuất khẩu thông qua các công cụ quốc tế như: https://globaltradehelpdesk.org/; https://www.trademap.org/; https://wits.worldbank.org/; https://globaltradehelpdesk.org/; https://www.macmap.org/; https://findrulesoforigin.org/ v.v.. cũng như hàng loạt công cụ tra cứu của các nước đối tác thương mại lớn như: https://www.cbi.eu/; https://www.customs.go.jp/english/tariff/index.htm; https://dataweb.usitc.gov/, v.v..
Tại phần thảo luận và trao đổi kinh nghiệm, các học viên đã chia sẻ cởi mở về những ngành nghề cụ thể, các khó khăn vướng mắc gặp phải và kỳ vọng mà Khóa đào tạo mang lại, từ đó giảng viên nắm bắt thực sự nhu cầu thông tin của doanh nghiệp cũng như giải đáp các thắc mắc có liên quan.
Đồng thời, các học viên bày tỏ mong muốn tiếp thu các kiến thức và kỹ năng nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hoặc các hoạt động hỗ trợ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong các buổi học sau của khóa học này.