Nâng cao khả năng sử dụng tiếng Mông cho cán bộ chiến sĩ Công an Hà Giang
Thông qua việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Mông cho CBCS công an đã và đang góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Đáp ứng yêu cầu công tác tại cơ sở
Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Hà Nội 318 km theo đường bộ. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với trên 277 km đường biên giới; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
90% diện tích Hà Giang là đồi núi. Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính (thành phố Hà Giang và 10 huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xí Mần, Yên Minh). Dân số hơn 80 vạn người, với 19 dân tộc anh em chung sống.
Đây địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 87%, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 32%. Với địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nên việc xây dựng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vừa qua, Đại học Thái Nguyên phối hợp Công an tỉnh Hà Giang tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng Trung Quốc và tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.
Lớp tập huấn có 150 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các địa bàn cơ sở của tỉnh Hà Giang,trong đó lớp bồi dưỡng tiếng Trung Quốc có 40 cán bộ, chiến sĩ và lớp bồi dưỡng tiếng Mông có 70 cán bộ. Tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng Trung Quốc và vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc và dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với nhân dân và đồng bào đáp ứng yêu cầu công tác công an tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của nước bạn Trung Quốc và đồng bào dân tộc Mông. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cán bộ, chiến sĩ được học tập, trang bị khả năng sử dụng tiếng Trung và tiếng Mông để áp dụng vào thực tiễn công tác.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên mong muốn Ban tổ chức lớp học và các học viên sẽ cùng khắc phục những khó khăn, chấp hành tốt các nội quy, quy định, tích cực học tập, nghiên cứu, lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt. Đại học Thái Nguyên cam kết sẽ cử những giáo viên có kinh nghiệm, chất lượng để giảng dạy tại lớp học, qua đó đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đồng quan điểm, Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, Công an các đơn vị quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đầy đủ.
Đối với học viên cần nêu cao trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế lớp học, nghiên cứu, lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt, tăng cường đối thoại, trao đổi tương tác đa chiều giữa giảng viên và học viên, phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa học.
Thông qua lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc nhằm nâng cao khả năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, đồng thời am hiểu thêm về phong tục tập quán của dân các dân tộc thiểu số cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị.
Trên cơ sở đó nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.