Nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu
10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%.
Cũng trong 3/4 chặng đường kinh tế năm 2024, cả nước có hơn 202,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, năm 2025 FDI sẽ tiếp tục là điểm sáng. Tuy nhiên, hiện nay phạm vi tác động của FDI chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào 14 tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… (chiếm 74% tổng FDI trên cả nước).
Về thị trường xuất khẩu, năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá như năm nay. Tuy nhiên, nếu diễn biến địa chính trị thế giới không ổn định có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cũng như nhập khẩu vì tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại.
Thị trường trong nước năm 2025 được nhận định không có nhiều biến động về sức mua trong nước vì thu nhập của người Việt Nam chưa có đột phá...
Ngoài ra, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách thể chế... tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, trong mục tiêu tăng trưởng chung các DN hầu như vẫn gặp vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…
Các DN cần sự hỗ trợ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình... Cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại,…
“Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực DN và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho DN, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...”- bà Thủy nói.