Nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Bộ Công Thương đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các tỉnh biên giới Trung Quốc liền kề với Việt Nam. Trong đó, Quảng Tây (Trung Quốc) được đánh giá là thị trường truyền thống, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khi hoàn thành cửa khẩu thông minh hàng hóa thông quan sẽ không bị gián đoạn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khi hoàn thành cửa khẩu thông minh hàng hóa thông quan sẽ không bị gián đoạn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Quảng Tây chiếm đến 97% kim ngạch cửa khẩu biên giới

Quảng Tây (Trung Quốc) là địa phương duy nhất có đầy đủ các loại hình cửa khẩu biên giới với Việt Nam bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, có các cặp cửa khẩu quan trọng đối với thương mại song phương như Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng, Tân Thanh - Pò Chài. Đặc biệt, Quảng Tây cũng là địa phương được Trung Quốc xác định là cầu nối quan trọng nhất trong hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Tây năm 2023 đạt 41,4 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và chiếm 97,2% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung. Số liệu của năm 2024 cho thấy, sau 10 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Quảng Tây với Việt Nam đạt 33 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, nhiều loại nông sản, thủy sản của Việt Nam thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền tại Quảng Tây đã đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường tỷ dân này. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới cơ bản được tiến hành thuận lợi; công tác mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, lối mở biên giới đạt nhiều tiến triển; các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được hai bên phối hợp triển khai đa dạng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) mới được tổ chức, phía Quảng Tây cho biết, dự án xây dựng cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan phía Trung Quốc đã cơ bản hoàn thiện. Dự kiến, sau khi hoàn thành, hàng hóa sẽ được thông quan mà không cần người vận hành, không gián đoạn 24/24h. Hàng hóa từ Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây) đến Hà Nội sẽ được giao trong vòng 24 giờ và đến 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong vòng 12 giờ. Tuy nhiên, để cửa khẩu thông minh sớm đi vào hoạt động, phía Quảng Tây đã đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án phía Việt Nam, sớm triển khai kết nối hai phần dự án và đưa vào vận hành chính thức.

Thúc đẩy mở cửa thị trường với nhiều loại nông sản Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, dù hợp tác thương mại giữa 2 bên đã có nhiều tiến triển nhưng cũng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa để kim ngạch XNK giữa 2 bên ngày càng nâng cao. Ví dụ, hiện các loại trái cây được ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật còn khiêm tốn, do đó tỷ lệ kiểm hóa đối với sản phẩm trái cây Việt Nam XK sang Trung Quốc gần như lên đến 100%; công tác phân luồng hàng hóa giữa các cửa khẩu biên giới đất liền còn chưa đạt hiệu quả cao.

Do đó, Thứ trưởng Thắng đề nghị cần tiếp tục nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới; tiếp tục phối hợp thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại nông sản Việt Nam nhằm thúc đẩy quy mô thương mại Việt Nam sang Quảng Tây (Trung Quốc) tăng trưởng hơn nữa. Bên cạnh đó, phối hợp hoàn thiện cơ sở hạ tầng biên giới, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Tây với các địa phương, khu công nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, 2 bên cũng cần tích cực phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc; Tích cực triển khai hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử qua biên giới; tăng cường hợp tác nâng cấp cơ cấu công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Phía Quảng Tây cũng đề nghị hai bên phối hợp đẩy mạnh hợp tác công nghiệp qua biên giới, phối hợp xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn và ổn định; Phối hợp thúc đẩy xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp hai bên; Đồng thời xây dựng cơ chế ưu tiên thông quan cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; phối hợp nâng cấp, mở mới cửa khẩu lối chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và xuất nhập cảnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của doanh nghiệp hai bên, cũng như nhu cầu giao lưu ngày càng chặt chẽ, sôi động hơn của Nhân dân hai nước.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-hieu-suat-thong-quan-tai-cac-cua-khau-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-post534811.html
Zalo