Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về giao thông đường bộ

Những năm qua, Công an tỉnh quán triệt, triển khai nghiêm túc các chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Những năm qua, Công an tỉnh quán triệt, triển khai nghiêm túc các chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Cùng với tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh ban hành các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Trưởng Công an cấp huyện ban hành kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn được phân công; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Từ ngày 1/1/2021 - 31/12/2023, Công an tỉnh đã lập biên bản 47.759 trường hợp vi phạm, xử phạt 42.124 trường hợp (còn 5.635 trường hợp chưa đến nộp phạt), tương đương 111,48 tỷ đồng, tạm giữ 19.918 phương tiện các loại, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 9.684 trường hợp.

Công tác điều tra, giải quyết TNGT được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, chính xác, qua đó có những nhận định, đánh giá đầy đủ về các nguyên nhân, yếu tố khách quan, chủ quan dẫn đến TNGT để xây dựng phương án phòng ngừa, hạn chế TNGT xảy ra. Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo luật, các nghị định, thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phối hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm. Kết quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 148 vụ, 160 bị can...

Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và giữ vững, không để xảy ra đua xe trái phép và ùn tắc giao thông kéo dài. Số người chết do TNGT gây ra giảm từng năm. Hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT được nâng lên, nhất là tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe được kiềm chế và giảm. Ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông được nâng cao, nhất là việc chấp hành các quy định về tải trọng, nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm TTATGT vẫn xảy ra, nhất là tại khu vực đông dân cư, khu công nghiệp và trung tâm thị trấn của huyện. Hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đạt 88%. Các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp chưa thực sự triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm TTATGT, chưa huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị để thực hiện; một số nơi có biểu hiện "khoán trắng” ngành Công an và Giao thông vận tải. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo TTATGT chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều bất hợp lý trong tổ chức giao thông được phát hiện và gửi kiến nghị khắc phục, nhưng việc khắc phục ở một số nơi, một số thời gian tiến hành chậm, làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Vẫn còn cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, nêu gương chấp hành pháp luật về giao thông, còn tình trạng vi phạm, nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người), cá biệt có trường hợp chống đối lực lượng thi hành công vụ...

Theo Đại tá Vũ Cao Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng công an đã kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là nghiên cứu cho ý kiến và thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính (thay thế Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đề nghị Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng chỉ đạo và các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đề nghị UBND tỉnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các sở, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý trong công tác bảo đảm TTATGT.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/193541/nang-cao-hieu-qua-xu-ly-vi-pham-ve-giao-thong-duong-bo.htm
Zalo