Nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến

Thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội, đến nay một số địa phương, trong đó có TPHCM, đã tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên. Giữa quy định và thực tế áp dụng phát sinh những tình huống khác nhau, nhưng nhìn chung các phiên tòa diễn ra suôn sẻ, và qua đó có thể nhìn thấy một số bài học để những phiên tòa sau đạt hiệu quả cao hơn.

Nhanh chóng triển khai

Tòa án nhân dân (TAND) TP Thủ Đức là đơn vị tiên phong của TPHCM trong xét xử trực tuyến. Ngày 22-3-2022, TAND TP Thủ Đức mở phiên tòa trực tuyến xét xử một bị cáo về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Ngay từ tháng 5-2021, liên ngành các cơ quan tố tụng TP Thủ Đức đã đề xuất được thí điểm xét xử trực tuyến. Địa bàn rộng, mỗi năm có khoảng 500 vụ hình sự với 700-800 bị cáo bị tạm giam, quãng đường di chuyển đến tòa án tham gia phiên tòa khoảng hơn 20km, việc đưa bị cáo đến tòa án vừa mất công sức vừa tốn kém thời gian và tiền bạc.

Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh cho biết, bước đầu đơn vị sẽ xét xử một số vụ án hình sự đơn giản và sẽ mở rộng thí điểm đối với các vụ án dân sự, hành chính.

Thực tế, nhiều địa phương đã trông chờ việc xét xử trực tuyến sớm triển khai. Ngay sau khi Nghị quyết 33 của Quốc hội có hiệu lực (từ 1-1-2022), TAND các cấp tại các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, TPHCM… đã tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

Trao đổi với PV, lãnh đạo một số tòa án 2 cấp đều thể hiện sự hào hứng với hình thức xét xử mới này. Các nơi đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, diễn tập, tổ chức phiên tòa giả định để chuẩn bị tốt nhất cho phiên xử trực tuyến.

Những điểm tích cực khi xét xử trực tuyến rất dễ nhận thấy. Đó là giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, giảm chi phí, thông qua đó có thể giải quyết vụ án nhanh chóng mà vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Với hình thức này, một ngày TAND có thể xét xử nhiều vụ.

Ở những địa bàn rộng như huyện Cần Giờ (TPHCM) thì việc mở phiên tòa trực tuyến lại càng được mong chờ. Bởi người dân muốn đến trụ sở tòa án nhiều khi phải vượt quãng đường 50-70km rất vất vả. Hiện TAND huyện Cần Giờ đang tích cực chuẩn bị để có thể kết nối hệ thống xét xử trực tuyến đến các xã.

Điểm cầu tại trụ sở TAND TP Thủ Đức trong phiên xét xử trực tuyến đầu tiên vào ngày 22-3-2022

Điểm cầu tại trụ sở TAND TP Thủ Đức trong phiên xét xử trực tuyến đầu tiên vào ngày 22-3-2022

Cách thức chung của các phiên tòa này là tổ chức thành các điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND, có hội đồng xét xử tham gia. Một điểm cầu đặt tại nhà tạm giữ của cơ quan công an, bị cáo tham dự phiên tòa từ đây. Một số nơi như huyện Cần Giờ thì chuẩn bị thêm điểm cầu ở các xã để người dân có thể tham dự tại xã, không cần lên trụ sở TAND huyện.

Vẫn là chặng đường dài

Theo Nghị quyết 33, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Song trong thực tế đã phát sinh khó khăn. Cuối tháng 3 vừa qua, sau 5 phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Bên cạnh những điểm tích cực mà hình thức xét xử này mang lại, TAND tỉnh Đồng Tháp cũng nêu khó khăn phát sinh trên thực tế.

Cụ thể, do mới thực hiện nên tòa án các cấp gặp một số lúng túng, như lựa chọn vụ án nào phù hợp để xét xử theo hình thức trực tuyến. Mặt khác, cán bộ kỹ thuật là thư ký tòa án kiêm nhiệm, không có chuyên môn về công nghệ thông tin; đường truyền đôi lúc thiếu ổn định; máy móc, cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều cơ quan không có phòng xét xử trực tuyến riêng, phải trưng dụng phòng lấy lời khai.

Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp Phạm Trung Tuấn cho biết, cơ quan này sẽ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để trang bị máy móc, thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến.

Khó khăn về kinh phí cũng là vấn đề chung xảy ra ở nhiều nơi. “Các phòng xử cũng đã có, nhưng còn phải trang bị thêm màn hình, thiết bị âm thanh… Chúng tôi vừa đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí”, Chánh án TAND huyện Bình Chánh (TPHCM) Đỗ Quốc Đạt cho biết.

Trước khi Nghị quyết 33 được Quốc hội thông qua, có những ý kiến đề nghị nhìn nhận mặt hạn chế của xét xử trực tuyến. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho rằng, một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng.

Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng. Xét xử trực tuyến có thể ảnh hưởng đến việc hội đồng xét xử tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ các tình tiết của vụ án. Do đó, việc xét xử trực tuyến chỉ nên thực hiện khi không thể xét xử trực tiếp.

Như vậy, mặc dù ứng dụng công nghệ, xét xử trực tuyến là xu thế không thể thay đổi, nhưng các nơi cũng không nên chạy theo xu thế chung mà bỏ qua những nguyên tắc trong hoạt động xét xử của tòa án. Đó là bảo đảm trình tự thủ tục tố tụng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trang bị kỹ thuật, đường truyền cho phiên xử trực tuyến cũng là vấn đề cần lưu tâm, khi thực tế vừa qua đã có phiên tòa trực tuyến bị gián đoạn vì sự cố mất điện trong ít phút, hoặc chất lượng hình ảnh, âm thanh không ổn định. Mới đây, TAND tối cao đã có hướng dẫn về trang thiết bị phục vụ các phiên tòa trực tuyến để áp dụng thống nhất trong cả nước.

KHÁNH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nang-cao-hieu-qua-xet-xu-truc-tuyen-807512.html
Zalo