Nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng

Trao đổi tại Hội thảo tăng cường năng lực Quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đại diện các ngân hàng cho rằng, việc triển khai Basel III tại Việt Nam là điều cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, những quy định mới cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng, đặc biệt là áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu CAR và các bộ đệm vốn theo chuẩn mới.

Triển khai Basel III là xu thế tất yếu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV, Phó chủ nhiệm Ủy ban rủi ro Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, ngành Ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và tăng sức chống chịu trước các cú sốc thị trường. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế không chỉ giúp tăng cường ổn định tài chính mà còn tạo nền tảng để các TCTD phát triển bền vững và hội nhập toàn diện. Thời gian qua, NHNN đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu cối lõi trong Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua hai dự thảo thông tư quan trọng đó là Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM và Dự thảo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày về các điểm mới của Basel III so với Basel II, ông Phương phân tích, Basel III đã nâng tỷ trọng và chất lượng vốn đồng thời đưa ra yêu cầu về tỷ lệ đòn bẩy; tăng cường giám sát an toàn thanh khoản; điều chỉnh phương pháp tính vốn tiêu chuẩn cho các rủi ro trong trụ cột 1 bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng đối tác và giới thiệu thêm vốn cho rủi ro điều chỉnh giá trị tín dụng. Bên cạnh đó, Basel III cũng đưa ra các yêu cầu mới chặt chẽ hơn trong sử dụng mô hình nội bộ để ước tính yêu cầu vốn.

Có thể thấy, việc triển khai Basel III là xu thế tất yếu, mang lại cơ hội và thách thức cho các ngân hàng và thị trường Việt Nam nhằm nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức mà các NHTM phải đối diện khi triển khai Basel III như: thách thức về nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cũng như các mức đệm dự phòng theo chuẩn mực mới; về dữ liệu định lượng chất lượng cao hay thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cấu trúc nguồn vốn để phù hợp với việc áp dụng các tỷ lệ thanh khoản theo Basel III…

Thực tế hiện nay, nhiều NHTM đã chủ động, đang triển khai tích cực, rất nhanh các bước đi cần thiết để chuẩn hóa toàn diện quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III, hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững hơn và hội nhập toàn diện.

Ngân hàng gặp nhiều thách thức

Từ thực tế triển khai tại ngân hàng, bà Bùi Thị Miền - Phó Giám đốc Khối Quản trị rủi ro MB cho biết, hiện có vướng mắc từ việc các TCTD đang phải tự thu thập thông tin của các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (lĩnh vực hoạt động, số lượng lao động, doanh thu, nguồn vốn) để phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định pháp luật. Dẫn đến, kết quả phân loại phụ thuộc vào lượng thông tin thu thập. Trong quá trình triển khai phát sinh trường hợp cùng 1 doanh nghiệp nhưng thuộc danh mục khách hàng vừa và nhỏ tại TCTD A nhưng không thuộc danh mục khách hàng vừa và nhỏ tại TCTD B, không đồng nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, đại diện ngân hàng này đề xuất NHNN xây dựng kho lưu trữ dữ liệu tập trung với đối tượng SME này để đảm bảo triển khai thống nhất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và tối ưu nguồn lực của hệ thống.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa Thông tư 13 đề cập đến phương pháp mới về thực hiện kiểm tra ngược (reverse stress test) nhưng chưa có quy định cách triển khai. Ngoài bổ sung quy định cụ thể cách thức triển khai, đại diện ngân hàng VIB cũng kiến nghị cần thúc đẩy nhanh kế hoạch số hóa cơ sở dữ liệu của các bộ ngành liên quan đến hoạt động tín dụng. Đồng thời, sớm ban hành các khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ cho việc xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ hiệu quả.

Về phía Techcombank, bà Lê Hồng Hạnh - Giám đốc cao cấp Quản trị và Giám sát Chính sách quản trị rủi ro toàn hàng Khối Quản trị rủi ro cho biết, đối với phương pháp đo lường vốn, có sự khác biệt giữa điều kiện thị trường tài chính Việt Nam và các thị trường phát triển – nơi các thông lệ quốc tế được hình thành, cũng như nhiều yêu cầu của chuẩn mực Basel mang tính nguyên tắc, không chi tiết về cách thức thực hiện đã dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các ngân hàng khi triển khai. Vì vậy, NHNN cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về phương pháp đo lường cũng như các yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ để TCTD có thể áp dụng một cách đồng nhất và hiệu quả. Đối với các nội dung có khác biệt với các nguyên tắc từ Basel, cần đảm bảo tính phù hợp và an toàn thị trường cũng như tính cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với vấn đề về cơ sở dữ liệu, theo bà Hạnh, việc thu thập và lưu trữ dữ liệu có chất lượng cao đã được chuẩn hóa, đầy đủ và chính xác đang là một thách thức lớn. Đồng thời, việc tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho việc đo lường vốn có thể gặp khó khăn về kỹ thuật và quy trình. Bên cạnh đó, phải bảo mật dữ liệu trong tất cả quá trình thu thập và xử lý dữ liệu. Ngân hàng này đề xuất NHNN thiết lập tiêu chuẩn dữ liệu, áp dụng linh hoạt các yêu cầu về độ dài dữ liệu lịch sử trong giai đoạn đầu triển khai, đồng thời thiết kế bộ tiêu chuẩn dữ liệu dùng chung trong toàn Ngành để hỗ trợ các ngân hàng chuẩn hóa và đối chiếu dữ liệu hiệu quả hơn.

Ngoài ra hạ tầng công nghệ cũng đang là thách thức đối với ngân hàng. Bà Hạnh cho hay, hệ thống tính vốn yêu cầu cần được nâng cấp đồng bộ để có thể tính toán đồng thời theo các phương pháp cơ bản và nâng cao, đáp ứng yêu cầu tuân thủ, quản lý nội bộ của ngân hàng; Chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì hệ thống có thể tăng lên... Vì vậy, đại diện Techcombank đề nghị có chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các ngân hàng áp dụng tính vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ để khuyến khích các ngân hàng đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tính vốn và áp dụng kết quả tính vốn trong thực tiễn kinh doanh. Các ngân hàng áp dụng các chuẩn mực mới về quản trị rủi ro sẽ giúp tăng cường ổn định tài chính vĩ mô, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Đồng thời, NHNN cần xem xét cấp phép triển khai sớm Basel III, đặc biệt đối với các ngân hàng có mức độ đáp ứng cao, 1 đến 2 năm (tương tự một vài thị trường phát triển ở Đông Nam Á) thay vì thời hạn áp dụng từ 2 đến 3 năm như dự thảo hiện nay. Điều này giúp rút ngắn thời gian và chi phí vận hành song song nhiều hệ thống, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của các ngân hàng trên thị trường quốc tế.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-tri-dam-bao-an-toan-he-thong-ngan-hang-167385.html
Zalo