Nâng cao hiệu quả diện tích sản xuất cây ăn quả

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh quan tâm mở rộng diện tích cây ăn quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác. Hiện, tổng diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh ước gần 6.400 ha, trong đó có nhiều vùng chuyên canh. Tại nhiều địa phương đã xây dựng được vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả trở thành sản phẩm đặc sản, đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để phát triển và nâng cao giá trị của cây ăn quả, các địa phương đã định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng chuyên canh, được đầu tư bài bản cả về giống và khoa học - kỹ thuật. Về giống cây, giống cũ kém hiệu quả được thay thế bằng những giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng. Cụ thể, các địa phương đã thay thế nhãn thóc bản địa trước đây bằng những giống mới như: nhãn lồng chín sớm, chín muộn; nhãn hương chi…

Với cây chuối (gần 1.900 ha), ngoài diện tích chuối ngự Đại Hoàng đặc sản hơn 100 ha, những vùng sản xuất khác phần lớn đều đưa các giống chuối tây, chuối tiêu hồng cho quả to, chất lượng ngon vào sản xuất. Hay vùng trồng vải lai U trứng nổi tiếng tại xã Nguyễn Úy (thị xã Kim Bảng) đang dần thay thế giống cũ bằng giống U trứng hồng để có mẫu mã quả đẹp hơn. Bên cạnh đó, hàng trăm ha ổi đều cơ bản được trồng bằng giống ổi lê Đài Loan dầy cùi, quả to, chất lượng ngon. Quá trình sản xuất, người trồng đặc biệt quan tâm đến chế độ chăm sóc cây ăn quả để cây phát triển bền vững, cho chất lượng quả ngon như: chủ yếu dùng phân hữu cơ (phân gà ủ hoai mục), bổ sung thêm lân và kali; cơ bản loại bỏ đạm. Vào những thời điểm sinh trưởng, phát triển quan trọng của cây, người trồng bón tăng cường bột đậu tương và ngô nhằm tăng chất dinh dưỡng... Ngoài ra, người trồng cây ăn quả trong tỉnh cũng được tiếp cận, nắm vững kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán sau mỗi lần thu hoạch để cây phát triển, cho năng suất cao vào lứa sau…

Diện tích trồng ổi lê Đài Loan tại xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên được trồng theo hướng hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Diện tích trồng ổi lê Đài Loan tại xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên được trồng theo hướng hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Các địa phương hiện đã cơ bản xóa bỏ vườn tạp và chuyển nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả. Sản xuất cây ăn quả của tỉnh đang phát triển theo hướng kinh tế vườn. Đây là một trong những hướng đi chính nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh diện tích đất nông nghiệp. Ngành đang tiếp tục định hướng và hỗ trợ nông dân cả về sản xuất và công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Không chỉ chú trọng đưa giống mới vào sản xuất, việc phát triển và áp dụng khoa học – kỹ thuật đã phát huy tốt hiệu quả tại những vùng cây ăn quả của tỉnh. Điển hình như vùng trồng bưởi Tổ dân phố Du Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) có đến 13 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cây bưởi tại đây được chăm sóc đúng kỹ thuật, luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Giá bán duy trì từ 15 – 18 nghìn đồng/quả. Sản phẩm bưởi tại vùng sản xuất của Tổ dân phố Du Long cơ bản được khách đặt mua từ sớm, cả mua buôn và mua lẻ. Những năm qua, vùng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả trên địa bàn xã Thanh Hương (Thanh Liêm) đã trở thành vùng trồng ổi nổi tiếng. Cây ổi trồng tại đây đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm làm ra có thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Chị Đỗ Thị Chuyên, xã Thanh Hương có 2 ha trồng ổi lê Đài Loan trong vùng sản xuất chia sẻ: Để có chất lượng ổi ngon, quá trình sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc. Sản phẩm ổi của gia đình được nhiều người tiêu dùng biết đến và đặt mua. Vào thời điểm thu hoạch rộ, mỗi ngày gia đình bán ra hơn 300 kg ổi, sản phẩm không bị tình trạng tồn đọng…

Về hiệu quả sản xuất, diện tích trồng cây ăn quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Tính bình quân giá trị sản xuất cây ăn quả đạt từ 150 – 300 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng trồng cây ăn quả cho giá trị lên đến 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Cây ăn quả trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Như vùng sản xuất bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 400 – 450 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí đạt lợi nhuận trên 50%. Diện tích trồng ổi lê Đài Loan đạt gần 500 triệu đồng/ha/năm, chi phí sản xuất chỉ ở mức 30 – 40%...

Đối với sản xuất cây ăn quả, khó khăn chính hiện nay là người dân chưa phát huy hết được thế mạnh của sản phẩm đặc trưng, đặc sản. Phần lớn sản phẩm chủ yếu bán tại thị trường tự do dẫn đến giá bán không ổn định, xuống thấp vào chính vụ thu hoạch. Người sản xuất chưa có biện pháp bảo quản các loại trái cây dẫn đến phải bán ngay sau thu hoạch dù không được giá…

Sản xuất cây ăn quả của tỉnh hiện nay đã hình thành được những vùng có quy mô tập trung. Nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, xây dựng được chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng, có tem nhãn nguồn gốc xuất xứ… Đây là lợi thế trong quá trình phát triển cây ăn quả tại các địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp để khắc phục, hạn chế những khó khăn như đã nêu ở trên. Như vậy, sản phẩm cây ăn quả mới phát huy tốt được tiềm năng, thế mạnh giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/nang-cao-hieu-qua-dien-tich-san-xuat-cay-an-qua-162820.html
Zalo