Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động phi chính thức
Sáng 30-7, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức tọa đàm 'Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội'.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết: Hiện nay, những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn. Công nghệ là cơ hội, nhưng cũng là rào cản đối với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp. Tọa đàm được tổ chức ở thời điểm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Ban Tổ chức hy vọng những khuyến nghị tại tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói hữu ích cho dự thảo luật này.
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu. Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn, nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức.
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia, gồm Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Trọng Độ; Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu; Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa… đã gợi mở nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.
Thứ ba, đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo. Xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề nghiệp. Mở rộng và phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng, đào tạo những ngành nghề mũi nhọn; liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm. Tiếp tục bám sát thực tiễn, ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động…