Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, mang lại những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là 'chìa khóa' để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc
Ngày 18/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3), góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại các Hội nghị COP26, COP27 và COP28.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) Đặng Hải Dũng nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Đặng Hải Dũng, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn
Theo khảo sát của chương trình VNEEP 3, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20 - 30%.
Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các cơ sở này thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng chi phí tiền điện hàng năm.
Ngày 18/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới, khẳng định vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm, quản lý nhu cầu điện, phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, công tác truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng. Những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là “chìa khóa” để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu tham dự tham quan tòa nhà EVN và nghe giới thiệu về các giải pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai
Nội dung trong khuôn khổ Hội nghị bao gồm: Cập nhật các thông tin chính sách, pháp luật mới về tiết kiệm năng lượng; Tổng quan kết quả triển khai chương trình VNEEP 3 thời gian qua; Trao đổi kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực năng lượng như cách khai thác, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, xây dựng câu chuyện và góc nhìn mới để tiếp cận độc giả... Qua đó kỳ vọng tạo ra những cầu nối truyền thông mạnh mẽ với thông tin chính thống, khoa học và gần gũi về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, với mục tiêu tiết kiệm từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2025 với yêu cầu cả nước tiết kiệm từ 5 - 7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước trong giai đoạn; Giai đoạn 2026 - 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan đã và đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững như nâng cao nhận thức, đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, giám sát và thanh tra, cũng như triển khai các chương trình tuyên truyền, thi đua…