Đề xuất sửa đổi tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương đã xây dựng và đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó đề xuất điều chỉnh tỷ lệ hao hụt xăng dầu ở nhiều công đoạn.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu
Ngày 8/12/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BCT quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, hao hụt xăng dầu là sự thiếu hụt xăng dầu về số lượng do bay hơi tự nhiên, bám dính; ảnh hưởng của các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật trong quá trình giao nhận, nhập, xuất, tồn chứa, xúc rửa bể và phương tiện vận chuyển, pha chế, vận chuyển, chuyển tải, bán lẻ xăng dầu.
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BCT, với các định mức hao hụt quy định trong bối cảnh kinh tế, xã hội và điều kiện khoa học công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị khi ban hành đã phát huy hiệu quả trong quản lý kinh doanh xăng dầu, giúp nâng cao tính minh bạch, quản lý tổn thất tốt hơn, góp phần ổn định thị trường và đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xăng dầu trong những năm qua đã có nhiều thay đổi từ công nghệ, thiết bị đến quy trình quản lý, dẫn đến việc Thông tư 43/2015/TT-BCT cũng đã bộc lộ một số bất cập ở thời điểm hiện tại. Do đó, việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, phân tích những mặt tích cực cũng như các tồn tại, hạn chế để đề xuất ban hành bộ định mức hao hụt xăng dầu phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý và kinh doanh xăng dầu là cần thiết.
Trên cơ sở đó, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho rằng cần xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư 43/2015/TT-BCT để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu hợp lý trong từng khâu của hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh xăng dầu, giảm thiểu tổn thất không cần thiết và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ hao hụt xăng dầu để thay thế Thông tư 43/2015/TT-BCT là cần thiết nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu hợp lý trong từng khâu của hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nội dung Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được chia làm 3 Chương, 16 Điều và 08 Phụ lục đính kèm.
Dự thảo Thông tư chỉnh sửa lại định nghĩa về: hao hụt xăng dầu, Tồn chứa xăng dầu ngắn ngày, Tồn chứa xăng dầu ngắn ngày cho phù hợp với định nghĩa tại dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu; bổ sung các định nghĩa về: Vận chuyển xăng dầu, Công đoạn nhập xăng dầu, Công đoạn xuất xăng dầu, Công đoạn chuyển bồn bể, Tỷ lệ hao hụt xăng dầu, Điều kiện cơ sở.
Đồng thời, điều chỉnh lại nội dung nguyên tắc quản lý tỷ lệ hao hụt xăng dầu, nguyên tắc xác định hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp với quy định tại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, trách nhiệm của các đơn vị được chỉnh sửa cho phù hợp về chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, một đầu mối xuyên suốt đối với mặt hàng xăng dầu. Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quản lý giảm tỷ lệ hao hụt xăng dầu và khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị nhằm làm giảm hao hụt xăng dầu.
Đề xuất giảm tỷ lệ hao hụt xăng dầu ở một số công đoạn
Tại Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương đề xuất các quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn súc rửa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế; tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải; tỷ lệ hao hụt xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và từ phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không lên máy bay.
Trong đó, tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển đường thủy, đường bộ, đường sắt được đề xuất quy định như sau: Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được xác định bằng hiệu số giữa lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu và lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi nhận xăng dầu.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu nhưng không lớn hơn tỷ lệ hao hụt tối đa quy định tại điểm (*) sau đây.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt quy định tại khoản 1, 2 Phụ lục 6 Thông tư này. (*)

Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được xác định bằng hiệu số giữa lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu và lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi nhận xăng dầu
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được quy định như sau: Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được xác định cho quá trình bơm chuyển xăng dầu từ bể xuất đến bể nhận trên tuyến ống cứng bằng thép, có đường kính trong từ 145 mm trở lên. Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống là tổng lượng hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống và hao hụt xăng dầu vận chuyển.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu từ bể xuất.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp có hoạt động vận chuyển ít nhất 01 lần trong thời gian 05 ngày quy định tại khoản 3 Phụ lục 6 Thông tư này.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp không có hoạt động vận chuyển trong thời gian lớn hơn 05 ngày được cộng thêm lượng hao hụt tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt tồn chứa trong đường ống quy định tại khoản 4 Phụ lục 6 Thông tư này.
So với Thông tư 43/2015/TT-BCT, Dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đang xây dựng đề xuất giảm tỷ lệ hao hụt xăng dầu ở một số công đoạn: giảm 14-26% ở công đoạn nhập; 17-33% ở công đoạn xuất; 0-25% ở công đoạn tồn chứa; 20-25% ở công đoạn pha chế; 20-28% ở công đoạn vận chuyển; 17-22% ở công đoạn chuyển tải; 23-25% ở công đoạn xuất từ bể chứa đến cột bơm xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và từ phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không lên máy bay. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xúc rửa được đề xuất giữ nguyên.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.