Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn TPHCM
Sáng 30-12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố. Hội nghị đã báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Tại TPHCM, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc TPHCM.
Trình bày tham luận “Đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý trong công tác dân tộc và tôn giáo tại TPHCM”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố có đời sống ổn định, kinh tế không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
Thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đa số người dân tộc thiểu số nắm bắt nhanh cơ hội, tích cực phát huy mọi nguồn lực, vốn, tay nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Thành phố còn là trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, là nơi tập trung hầu hết cơ quan Trung ương của các giáo hội, với số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự và các cơ sở xã hội, cung cấp nguồn nhân lực lãnh đạo chủ yếu cho các giáo hội và có mối quan hệ quốc tế rộng rãi liên quan đến tôn giáo. Đồng thời, là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội tôn giáo với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng trên toàn quốc.
Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, các hoạt động của cộng đồng dân tộc và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có tính tương đồng; công tác dân tộc và công tác tôn giáo có sự phối hợp, song hành, có mối liên hệ, gắn kết nhau. Do đó, công tác tham mưu, giải quyết các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có quan điểm, cách nhìn tổng thể trong việc đánh giá, giải quyết vấn đề phát sinh khi được sáp nhập. Việc sáp nhập thành Ban Dân tộc - Tôn giáo để đảm bảo theo dõi, quản lý tập trung đầu mối trong công tác tham mưu, quản lý lĩnh vực dân tộc và tôn giáo. Đây cũng là thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết 18-NQ/TW; cần thiết yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị tại thành phố.
UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 31/NQ-HĐND sáp nhập Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) vào Ban Dân tộc (thuộc UBND TPHCM) thành Ban Dân tộc - Tôn giáo TPHCM vào ngày 11-12-2024.
Đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TPHCM tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sở, ngành và hệ thống chính trị tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới được thống nhất, đồng bộ từ thành phố đến phường, xã, thị trấn.
Trong đó, tiếp tục bám sát, quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; thực hiện tốt công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng, phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chú trọng triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM và cấp quận, huyện đảm bảo tính đồng bộ, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; hoàn thành trong tháng 2-2025 theo chỉ đạo của Trung ương. Xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc - Tôn giáo; xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, Quy chế phối hợp giữa Ban Dân tộc - Tôn giáo thành phố với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn.
TPHCM có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức, với 312 phường, xã, thị trấn; có 53 dân tộc thiểu số với 468.128 người, chiếm 5,2% tổng số dân số thành phố.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 1.073 cơ sở tín ngưỡng; 13 tôn giáo với 33 tổ chức giáo hội được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo với 2.970 cơ sở tôn giáo; 157 dòng tu nam, nữ có trụ sở chính và văn phòng đại diện tại thành phố; khoảng 3,9 triệu tín đồ, hơn 10.000 chức sắc, hơn 3.000 chức việc, gần 7.000 tu sĩ nam, nữ.