Nâng cao hiệu quả công tác PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Chiều 19/12, tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp hội đồng 'Công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường'. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC chủ trì hội thảo.
Đề dẫn tại hội thảo, Đại tá, TS Lã Xuân Lực, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết, trong những năm qua, công tác PCCC&CNCH đạt được nhiều kết quả tích cực, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, kiến thức, kỹ năng của người dân trong công tác này, qua đó góp phần kiềm chế số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại gây ra. Lực lượng CAND mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho các cấp, các ngành chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này.
Karaoke, vũ trường, những loại hình đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, loại hình kinh doanh này phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, trong đó có các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Thực tiễn trên đòi hỏi công tác PCCC&CNCH càng phải cần được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của toàn bộ hệ thông chính trị từ trung ương đến địa phương.
Đại tá, TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho biết: Với nhu cầu lớn từ người dân, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã gia tăng đáng kể về số lượng, quy mô. Theo thống kê, toàn quốc có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Đa số cơ sở này có đặc điểm là xen cài trong khu dân cư, nhà được xây nhiều tầng, diện tích mặt bằng nhỏ và thường được ngăn chia thành nhiều phòng, sử dụng nhiều vật dụng, chất cháy; thường xuyên tập trung đông người đã sử dụng rượu bia, không hoàn toàn tỉnh táo, hạn chế khả năng tự thoát nạn.
Đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ cháy cao, gây mất an toàn tính mạng cho người và khó khăn trong công tác chữa cháy, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH. Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra hơn 45 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và đặc biệt 6 tháng cuối năm 2022 đã xảy ra 3 vụ, làm chết 32 người, bị thương 17 người và 3 CBCS đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến ANTT.
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã làm rõ nội dung công tác PCCC &CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường ở Việt Nam, trong đó tập trung một số vấn đề trọng tâm theo chức năng của lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH như: công tác tham mưu; công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; công tác kiểm tra an toàn PCCC; công tác xử lý vi phạm quy định về PCCC; công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH; công tác tổ chức chữa cháy và CNCH. Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm giữa các chủ thể, các địa phương và lực lượng chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp hiện nay đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện từ các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, nòng cốt là lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC&CNCH.
Đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội cũng đề nghị Bộ VHTT&TT phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu Nghị định số 54 và có hướng dẫn chi tiết hơn về các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường để các tỉnh thành, địa phương thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật; tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ANTT, PCCC&CNCH cho cán bộ địa phương nắm rõ kịp thời các quy định chuyên ngành và liên ngành…
Đại diện một số cục nghiệp vụ, Công an một số địa phương cũng đề xuất lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH các cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo tình hình, cảnh báo về cháy, nổ, tai nạn, sự cố đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, đặc biệt là giữa ngành Công an với ngành Văn hóa, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Sở VHTT&DL; chú trọng công tác tổ chức diễn tập nhằm tăng cường tính chủ động của các lực lượng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong thực tế…
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn đề nghị từ kết quả hội thảo, Trường Đại học PCCC cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào nội dung chương trình đào tạo các bậc học, hệ học khối lượng, dung lượng kiến thức, kỹ năng trong ứng phó với các tình huống cháy, nổ phức tạp, trong đó có cháy, nổ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; thông qua thực tiễn các vụ cháy, nổ loại hình cơ sở nêu trên để tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận mới trong công tác giảng dạy các môn học chuyên ngành PCCC & CNCH; chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC& CNCH nghiên cứu xây dựng các kịch bản về các tình huống nghiệp vụ phổ biến, điển hình trong chữa cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường xảy ra ở các tầng hầm, cơ sở nằm trong khu vực dân cư tập trung đông người, hạ tầng giao thông hạn chế…