Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị

Quán triệt tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác dân vận. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt được những kết quả quan trọng.

Những kết quả nổi bật

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng theo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra. Kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW gắn với Kết luận số 01-KL/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong toàn tỉnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến về nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng rèn luyện; chấp hành nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan; ý thức trách nhiệm phục vụ người dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thường xuyên được kiện toàn, phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Thực hiện tốt chế độ giao ban định kỳ giữa thường trực cấp ủy với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân công người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác dân vận.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Công tác tổ chức, cán bộ thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định. Kịp thời sửa đổi, ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm các văn bản về công tác cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, được người dân đồng tình ủng hộ.

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung

Công tác tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri được thực hiện đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu cấp ủy các cấp đã thực hiện 6.063 buổi tiếp dân; người đứng đầu chính quyền các cấp tiếp 28.412 lượt công dân (tiếp thường xuyên 12.825 lượt, định kỳ 15.587 lượt). Đã tiếp nhận 12.113 đơn khiếu nại, tố cáo và 14.609 đơn kiến nghị. Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ cơ sở đến tỉnh tổ chức 1.572 hội nghị đối thoại với người dân, có 83.081 lượt người tham gia.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét hơn. Tại các kỳ họp, HĐND các cấp đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó yêu cầu các ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời. Công tác tiếp xúc cử tri, các đợt giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được triển khai tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, đổi mới cả về nội dung, hình thức. Việc tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp đi vào thực chất và hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; UBND các cấp, các sở, ban, ngành ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền hàng năm. Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn NTM; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; công tác dân tộc, tôn giáo; QCDC ở cơ sở được quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Các đơn vị quân đội tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng NTM, xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo với hơn 173.497 ngày công lao động. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, xây dựng và thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở; củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Lực lượng Công an nhân dân đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình, địa bàn. Tổ chức 930 lượt “Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, thu hút 44.809 lượt người dân tham gia. Huy động lực lượng, thiết bị triển khai thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp, quản lý căn cước công dân; triển khai các hoạt động chung tay vì cộng đồng bằng nhiều hoạt động cụ thể.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. Coi trọng củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; đến nay, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức đạt 78,2%; thường xuyên xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán, người có uy tín trong tôn giáo và đồng bào DTTS. Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, khu dân cư; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt được những kết quả khả quan. Đến nay đã tổ chức 1.512 lượt đoàn giám sát tại nhiều địa phương, đơn vị; 301 cuộc phản biện với 482 lượt văn bản dự thảo.

Hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ và có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết và ban hành 116 văn bản về công tác dân vận. Các văn bản sau khi ban hành đã được các tổ chức trong hệ thống chính trị cụ thể hóa triển khai, thực hiện hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đăng ký xây dựng 2.575 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới, cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh; phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, công tác xây dựng Đảng, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, không ngừng củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Hai là, các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình để có chủ trương, biện pháp nâng cao đời sống, phát huy nguồn lực và quyền làm chủ của người dân; giải quyết có hiệu quả những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện công tác dân vận. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nội dung, biện pháp cụ thể để thực hiện công tác dân vận sát với tình hình, kịp thời khắc phục những mặt còn hạn chế trong công tác dân vận.

Ba là, tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Tập trung thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt việc truy tố, xét xử các vụ án, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Bốn là, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động; xây dựng và phát huy có hiệu quả lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành để đảm bảo quyền làm chủ của người dân trong việc tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ ban dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. Tiếp tục xây dựng nông hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”.

Sáu là, chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản về công tác dân vận; thực hiện tốt các chương trình phối hợp về công tác dân vận. Triển khai thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với những nội dung, biện pháp phù hợp để đem lại hiệu quả cao.

PHẠM THỊ TỐ HẢI-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-dan-van-cua-he-thong-chinh-tri-post252129.html
Zalo