Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại cộng đồng
Sáng nay (24/9), Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức, đã tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng chống mua bán người năm 2024.
Hội nghị với sự tham gia của gần 200 người là đại diện Ban Chỉ đạo 89 huyện, cán bộ chuyên viên phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phòng LĐ-TB&XH, đại diện Trung tâm Y tế, đại biểu cấp xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban Chỉ đạo 89, đại diện Lãnh đạo Công an trực tiếp phụ trách công tác lập hồ sơ cai nghiện ma túy, công chức Văn hóa-Xã hội, Y tế, Đội Công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn huyện.
Mục đích nhằm tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tập huấn, hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan đến cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhằm giúp công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo 89 cấp huyện, cấp xã các giải pháp triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn.
Đồng chí Lê Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, tình hình tệ nạn ma túy, mua bán người diễn biễn rất phức tạp. Tính đến ngày 14/9/2024, số người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy trên địa bàn Hà Nội là 16.536 người, trong đó trên địa bàn huyện Hoài Đức là 415 người...
Do vậy, việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
Tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, hướng dẫn triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
Hướng dẫn triển khai các chế độ chính sách của Thành phố trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 và Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023… Thảo luận, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy tại địa phương.
Hội nghị cũng được đồng chí Nguyễn Mai Hiền, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội thông tin đầy đủ về công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy tại cơ sở.
Theo đó quy trình cai nghiện được thể hiện trong cả 5 giai đoạn. Người nghiện ma túy sau khi được tiếp nhận vào Cơ sở, được điều trị cắt cơn giải độc tại khu Y tế trong thời gian từ 2 đến 3 tuần, khi sức khỏe, tâm lý ổn định sẽ được chuyển sang phòng Giáo dục – Hòa nhập cộng đồng để tiếp tục thực hiện các quy trình điều trị tiếp theo tại các Đội quản lý người nghiện.
Do đặc thù của người cai nghiện ma túy nên việc chăm sóc sức khỏe hết sức phức tạp, vừa phải điều trị các rối loạn tâm thần do nghiện ma túy gây ra, đồng thời phải nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu liên quan đến phần lớn các hoạt động trong suốt quá trình điều trị cai nghiện ma túy.
Theo kế hoạch, hội nghị tập huấn, tuyên truyền được triển khai tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thường Tín, Mê Linh, diễn ra từ ngày 24/9 đến ngày 29/10/2024.