Nâng cao hiệu quả chương trình hành động về cải cách hành chính
Thực hiện Chương trình hành động 12 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Đây là những nền tảng quan trọng để Phú Yên có những bước đột phá tiếp theo.
Thực hiện quyết liệt
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, thực hiện Chương trình hành động 12 của Tỉnh ủy, ngày 15/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 201 để cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện. Theo đó đã cụ thể thành 92 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trên cơ sở đó, các sở, ban ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành những nhiệm vụ được phân công, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, địa phương mình.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên và ban hành các kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả thực hiện CCHC. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị luôn phát huy cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác CCHC, gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ.
Các cấp thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có liên quan đến công tác CCHC tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được chú trọng. Việc tổ chức vận hành mô hình Bộ phận một cửa đem lại nhiều hiệu quả thiết thực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện, hướng tới sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Các sở, ngành, địa phương ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Công tác thu hút đầu tư từng bước đổi mới. Công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đạt được kết quả nổi bật. An ninh kinh tế và trật tự xã hội được đảm bảo…
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác liên ngành để rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.
Bà Ngô Thị Xuân Thanh, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh tâm đắc: “Việc giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh hiện nay rất thuận lợi. Tôi chỉ cần đến bộ phận một cửa là được hướng dẫn tận tình, giải quyết nhanh chóng. Còn nếu không đến trực tiếp, tôi nộp hồ sơ điện tử và đăng ký thủ tục chuyển trả tận nhà”.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Xét về tổng thể bức tranh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, dù có nhiều cải thiện qua từng năm nhưng so sánh với chuyển biến chung của cả nước thì công tác CCHC của tỉnh vẫn còn chậm và còn tồn tại nhiều hạn chế. Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động 12 còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, cần tiếp tục thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra đến năm 2025.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở TN&MT, hiện tỉ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn trong lĩnh vực đất đai còn nhiều, ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Thời gian đến, sở tiếp tục thi hành, thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn, thi hành luật này; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn để đảm bảo việc tiếp thu, nhận thức thống nhất, đúng đắn, thông suốt trong các cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ. Đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết hồ sơ…
Để hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Chương trình hành động 12 của Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao và thực hành văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để kịp thời cụ thể hóa quy định pháp luật và kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp, đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của trung ương, của tỉnh về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; dành nguồn lực thích đáng để đầu tư cơ sở vật chất. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đẩy nhanh việc đầu tư và đưa vào sử dụng các hạ tầng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đảm bảo tiến độ Chính phủ quy định.
Khẳng định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để xây dựng nền tảng vững chắc đưa tỉnh chuyển mình, vươn lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác sắp xếp, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy hướng đến “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai mạnh mẽ các giải pháp về chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Các cấp, ngành, nhất là các địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để xây dựng nền tảng vững chắc đưa tỉnh chuyển mình, vươn lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh